Nữ kỹ sư trẻ Hà Tĩnh làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế loại xuất sắc, Hà Thị Ly (SN 1993, quê xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được doanh nghiệp tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài. Chưa đầy 2 năm vào làm việc, kỹ sư trẻ đã cho ra đời sáng kiến kỹ thuật, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.

Mặc dù là nhân viên kỹ thuật trẻ của Công ty CP Thủy sản Thông Thuận Hà Tĩnh (Nghi Xuân) nhưng bằng những kiến thức học được trên ghế nhà trường cùng với tinh thần tự học, sáng tạo, trong quá trình nuôi tôm ấu trùng, Hà Thị Ly nhận thấy quy trình sản xuất thức ăn cho tôm hiện có những vấn đề chưa phù hợp. Thức ăn thường là dạng tổng hợp, không phù hợp với kích thước của cơ thể ấu trùng tôm, giá trị dinh dưỡng không cao. Mặc dù công ty đã có áp dụng phương pháp nuôi cấy tảo tươi làm thức ăn cho tôm nhưng hiệu quả chưa cao.

Nữ kỹ sư trẻ Hà Tĩnh làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp

Sáng kiến nâng cao hiệu quả nuôi cấy thức ăn tươi cho ấu trùng tôm của Ly góp phần hoàn thiện quy trình nuôi tôm giống

Ly cho biết: “Khí hậu ở Hà Tĩnh không thuận lợi cho tảo phát triển. Thời điểm tháng 2 - 4 thì quá lạnh, mưa nhiều, ánh sáng không đủ cho tảo quang hợp, trong khi tháng 8 - 9 độ mặn nước biển quá thấp ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo. Tảo được nuôi cấy vì thế mà lên chậm, lên không đều, lẫn nhiều tảo tạp và giá trị dinh dưỡng không cao. Từ thực trạng đó, tôi đã nghiên cứu ra phương pháp mới để khắc phục những hạn chế. Vào mùa lạnh thì cung cấp ánh sáng nhân tạo bằng đèn để nâng nhiệt độ lên, mùa nắng thì nâng độ mặn của nước, tạo môi trường hoàn hảo trong ống nghiệm cho tảo phát triển, sau đó nuôi cấy với số lượng lớn để làm thức ăn cho ấu trùng tôm".

Sau một thời gian tự mày mò nghiên cứu, sáng kiến nâng cao hiệu quả nuôi cấy thức ăn tươi cho ấu trùng tôm của Ly đã được công ty áp dụng thành công vào sản xuất (tháng 8/2016).

Nữ kỹ sư trẻ Hà Tĩnh làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp

Công việc đòi hỏi Ly và đồng nghiệp phải hết sức tỉ mỉ, chuyên tâm

Quy trình tưởng chừng đơn giản nhưng có chứng kiến công việc của Ly và đồng nghiệp mới thấy: để cho ra đời một mẻ thức ăn tảo tươi thành công không hề đơn giản. Làm việc thường xuyên trong phòng thí nghiệm, tiếp xúc trực tiếp với máy móc, ống nghiệm, kính hiển vi, mẫu vật tảo giống… đòi hỏi ở người kỹ sư sự cần mẫn, tỉ mỉ. Ngoài ra, các trang thiết bị trong phòng thí nghiệm phải được hấp tiệt trùng diệt khuẩn ở nhiệt độ cao và luôn giữ vệ sinh sạch sẽ mới đảm bảo môi trường cho tảo phát triển.

Tảo giống phải được nhập ở Viện Thủy sản Trung ương III Nha Trang, trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, phức tạp và phải mất 15 ngày mới cho ra đời một lứa tảo thành phẩm. Trong quá trình nuôi cấy, nhiều đêm Ly và các đồng nghiệp phải ở lại phòng thí nghiệm để theo dõi quá trình phát triển của tảo, ấu trùng tôm. Ly chia sẻ: “Công việc đòi hỏi độ chính xác, tỉ mỉ, phải chuyên tâm, em lại vừa sinh con nhỏ nên khá vất vả.

Là người trẻ, kinh nghiệm chưa có nhiều, nhưng may mắn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, phù hợp với ngành học. Em muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty cũng như quê hương mình”.

Sáng kiến của cô kỹ sư trẻ đã tạo một bước tiến mới trong quy trình nuôi tôm giống, nâng tỷ lệ sống của tôm ấu trung lên gấp đôi, cải thiện chất lượng tôm giống xuất khẩu.

Ông Võ Châu Trọng – Giám đốc Công ty CP Thủy sản Thông Thuận Hà Tĩnh nhận xét: “Hà Thị Ly là một kỹ sư trẻ có trình độ chuyên môn cao và rất siêng năng, sáng tạo trong công việc. Từ sáng kiến của Ly, công ty đã giải quyết được khâu chọn thức ăn phù hợp cho tôm ở giai đoạn ấu trùng – giai đoạn đóng vai trò quan trọng nhất của quy trình nuôi tôm giống. Thay vì phải nhập thức ăn như trước đây, giờ chúng tôi có thể cung cấp đủ lượng thức ăn cần thiết cho tôm giống, giúp giảm chi phí đầu vào, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng. Năm 2017, công ty xuất ra thị trường gần 800 triệu con tôm giống, dự kiện năm 2018, sẽ xuất 1,3 tỷ con.”

Chủ đề Sản phẩm mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast