Video: Mô hình của anh Đặng Thế Luận.
Vụ hè thu năm 2022, anh Đặng Thế Luận (thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) đã triển khai thực hiện mô hình “chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gắn với sản xuất hữu cơ”. Trên cánh đồng Rọng Triện rộng 1,5 ha của thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), anh Đặng Thế Luận đã đứng ra mượn ruộng của người dân để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá rô đầu nhím. Cả cánh đồng được anh Luận quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa; đắp bờ, đào ao xung quanh ruộng lúa để thả cá.
Vụ đầu tiên, anh Luận đưa vào sản xuất giống lúa hữu cơ DT39 của Tập đoàn Quế Lâm. Thay vì gieo thẳng theo phương thức truyền thống, anh Luận ứng dụng máy cấy, thực hiện cấy thủ công để nâng cao năng suất và hiệu quả. Trước đó, anh Luận dùng vôi, men vi sinh, phân vi sinh, phân khoáng hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm để xử lý và cải tạo đất.
Anh Đặng Thế Luận chia sẻ: "Khác với canh tác lúa truyền thống, làm lúa hữu cơ cần kiên trì và dày công chăm sóc hơn. Nếu trước đây lúa bị sâu bệnh hoặc cỏ mọc nhiều thì phun thuốc đặc trị nhưng với lúa hữu cơ thì phải xử lý bằng cách khác. Chẳng hạn như lúa cỏ mọc thì phải trực tiếp xuống ruộng để nhổ bỏ; lúa bị đỏ đuôi lươn thì phải hoà vôi, đánh tan rồi lắng lấy nước vôi để phun. Canh tác theo phương thức này, lúa an toàn và đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng; đồng ruộng cũng được cải tạo môi trường để các vụ sau cho năng suất hơn".
Bao quanh ruộng lúa hữu cơ, anh Đặng Thế Luận đào ao thả hơn 3 vạn cá rô đầu nhím. Giai đoạn đầu, cá được nuôi ươm bằng thức ăn công nghiệp. Đến lúc lúa trổ đòng, cá được thả bung ra ruộng lúa để ăn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng. Mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa của anh Đặng Thế Luận mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu bệnh hại nên lúa ít bị sâu bệnh, cá sục bùn diệt cỏ dại. Các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được chi phí thức ăn; việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm chi phí trong quá trình canh tác.
Sau thu hoạch, gia đình tiếp tục dùng men vi sinh để xử lý rơm rạ thực bì, dùng phân vi sinh để cải tạo môi trường. Sau đó tiến hành tích nước trên ruộng để thả cá. Ở giai đoạn này, gia đình sẽ cắt lượng thức ăn công nghiệp, cho cá ăn các loại thức ăn tự nhiên để chất lượng thịt cá thơm ngon và bán được giá hơn.
"Vừa rồi thu hoạch lúa năng suất đạt 2 tạ/sào, so với mặt bằng chung của sản xuất hè thu năm nay thì năng suất đạt khá. Lúa hữu cơ nên được thị trường yêu chuộng, gia đình đang bán với giá 8.000 đồng/kg, cao gần 1/3 so với giá lúa khác. Riêng cá rô đầu nhím sau hơn 2 tháng thả nuôi hiện đạt trọng lượng từ 2 - 3 lượng/con" - Anh Đặng Thế Luận cho hay.
Thu hoạch vụ lúa hè thu vừa rồi, anh Đặng Thế Luận đã thu hoạch và bán hơn 1 tạ cá rô đầu nhím. Với giá bán 70.000 đồng/kg, gia đình thu về gần 10 triệu đồng từ bán cá. Hiện nay, dưới ao nuôi còn hơn 2 tấn cá nhưng để đạt năng suất, gia đình sẽ nuôi thêm 1,5 tháng, đến đầu tháng 11 sẽ thu hoạch đại trà. Riêng lúa hữu cơ sau thu hoạch, gia đình thu về hơn 5 tấn lúa. Với giá bán 8.000 đồng/kg, gia đình thu về hơn 40 triệu đồng. Nếu thu hoạch hết cá, gia đình còn thu về khoảng 140 triệu đồng.
Mô hình của anh Luận không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nên sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Bước đầu, địa phương đang hỗ trợ gia đình về giống cũng như kỹ thuật chăm sóc. Huyện cũng khuyến khích các xã nhân rộng mô hình để chuyển đổi cơ cấu đất trồng lúa, nâng cao thu nhập cho người dân.