Ông Trần Văn Thân (thôn 7) là một trong những hộ dân có có diện tích nuôi tôm lớn nhất xã Xuân Trường. Trong tổng số diện tích đồng tôm trên 7 ha, ông quy hoạch gần 1,5 ha nuôi thâm canh công nghệ cao, số còn lại nuôi quảng canh. Năm 2017, gia đình ông thu lãi 1 tỷ đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Thân, để nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao thì phải chuẩn bị thật tốt các khâu như cải tạo ao đầm, chọn giống thả nuôi đúng thời vụ và phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, cải tạo ao đầm là khâu kỹ thuật quan trọng nhằm hạn chế được mầm bệnh tồn lưu trong ao, nhất là ao nuôi nhiều vụ trong năm.
Chính vì thế, từ tháng 3 đến nay, gia đình ông đã tập trung cải tạo ao đầm, thay nước kết hợp bơm súc đáy ao, nạo vét loại bỏ lớp bùn đen. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích ao đầm đã được làm vệ sinh sạch sẽ, đang thả tôm giống, cua giống theo từng đợt (50 vạn tôm giống và 60 triệu đồng tiền cua).
“Rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện kéo đường điện để phục vụ sản xuất cho gia đình và các hộ lân cận, giảm bới chi phí đầu vào” - ông Thân đề xuất.
Toàn huyện Nghi Xuân hiện có 470 ha diện tích nuôi tôm, trong đó có 320 ha nuôi quảng canh với các giống tôm sú và nuôi tôm tự nhiên trong ao đất, mỗi năm từ 1- 2 vụ. Để các hộ nuôi trồng thủy sản yên tâm cho vụ nuôi mới, chính quyền các xã đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tập trung kiểm soát vật tư trong nuôi trồng thủy sản; kiểm tra giám sát điều kiện vùng nuôi trồng, chất lượng thức ăn chế phẩm sinh học, chất lượng nguồn giống...
Cty CP Thủy sản Thông Thuận (xã Cương Gián) đã chuẩn bị số lượng lớn tôm giống đảm bảo chất lượng để cung cấp đầy đủ và kịp thời theo yêu cầu của người dân
Huyện Nghi Xuân khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức nuôi tôm từ quảng canh sang thâm canh với 100 ha, đầu tư trang thiết bị công nghệ cao để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Huyện đã triển khai nhân rộng được 7 mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao với diện tích gần 40 ha tại các xã: Xuân Yên, Cương Gián, Xuân Trường. Kết quả cho thấy, năng suất mỗi vụ đạt 10-15 tấn/ha, doanh thu mỗi héc ta trên 1 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 6 hộ dân mạnh dạn cải tạo ao đất, lót bạt vỗ bờ xi măng chuyển từ nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghệ với diện tích 10 ha cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách nuôi theo hình thức quảng canh.
Nghi Xuân đã có những chủ trương đúng gắn với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý nên đã thu hút được khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia đầu tư nuôi tôm trên cát, áp dụng công nghệ cao. Riêng năm 2018, huyện đã chấp thuận 4 dự án nuôi tôm trên cát trên khuôn viên 16 ha tại các xã: Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Liên với tổng số vốn đầu tư 30 tỷ đồng, chiếm gần 1/2 diện tích đầu tư vào Nghi Xuân 5 năm trước đó.