Gần 20 năm đầu tư sản xuất, lấy ngắn nuôi dài, gia đình anh Hoa đã xây đựng được trang trại tổng hợp rộng hơn 10 ha
“Từ nhỏ đã mê làm trang trại, tuổi thanh niên tôi từng bươn chải vào làm rẫy ở Tây Nguyên, nhưng thương người mẹ tàn tật ở nhà, tôi quyết định về quê lập nghiệp. 16 tuổi, tôi là người đầu tiên lên khai hoang ở vùng rú Mụ Dẻ. Sau khi lấy vợ (năm 2000), cả gia đình quyết định chuyển từ vùng trung tâm phường vào hẳn trong trại để tập trung phát triển các loại cây, con. Biết bao công sức đã đổ xuống vùng đất hoang vu này thì gia đình tôi mới có trang trại rộng lớn với vùng trồng cây lâm nghiệp, vùng làm cây màu, trồng cây ăn quả, nuôi cá như hiện nay” - anh Hoa chậm rãi kể.
Đàn lợn rừng qua nhiều năm tự nhân giống, đến nay đã có gần 100 con
Mỏi hết cả chân, chúng tôi cũng không đi xem hết những sản phẩm được tạo ra từ bàn tay lao động miệt mài của vợ chồng và người em trai của anh Hoa trong hàng chục năm qua. Từ bàn tay trắng đi gom từng đồng vốn vay mượn, họ đã từng bước gây dựng, mở mang trang trại với hàng chục đầu sản phẩm.
Ngoài phát triển các vùng cây theo quy hoạch, anh Hoa đầu tư khu chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô 500 con/lứa liên kết tiêu thụ với Mitraco, đào 1 ha hồ nuôi cá, từng bước nhân đàn lợn rừng lên gần 100 con, nuôi hàng ngàn con gà thịt, hơn 100 trăm con dê…
Đàn dê phát triển tốt nhờ tận dụng thức ăn tự nhiên ở vùng rú Mụ Dẻ
Mỗi năm trang trại đạt doanh thu trên tỷ đồng, lợi nhuận hàng trăm triệu nhưng chủ nhân của nó chưa có phút nghỉ ngơi. Được đồng lãi nào, vợ chồng anh Hoa lại tái đầu tư phát triển quy mô, đa dạng các sản phẩm. Chính nhờ nhiều đầu mối tiêu thụ nên trang trại của gia đình anh Hoa đã vượt qua sóng gió thị trường, phát triển một cách bền vững.
50 ha đất ruộng ở xã Kỳ Lợi được anh Hoa đưa vào sản xuất mấy năm nay
Không chỉ chinh phục đất rừng, anh Hoa cũng là người “khát” đất vàng đồng ruộng. Không còn đất trồng lúa sau khi nhường đất giải phóng mặt bằng, lên vùng tái định cư, anh Hoa sang xã Kỳ Lợi xin mượn 50 ha đất lúa ngay sát hàng rào Công ty Formosa Hà Tĩnh để sản xuất. Đây là vùng đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương nhưng nhà đầu tư chưa sử dụng. Sắm máy cày, máy bơm nước, máy gặt đập liên hoàn, anh Hoa đã bỏ nhiều công sức để cày xới, "đánh thức" vùng đất ruộng bỏ không.
Máy bơm nước, làm đất, gặt đập liên hoàn được gia đình anh sắm sửa đầy đủ
Trong số 50 ha, gia đình anh canh tác 10 ha, còn lại làm đất cho bà con có nhu cầu thuê để trồng lúa và gia đình anh thu tiền các dịch vụ nông nghiệp. “Cứ nói làm lúa không ăn thua nhưng tôi tính rồi, nếu có diện tích lớn, đầu tư máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất thì thu nhập khá, thị trường tiêu thụ ổn định. Như gia đình tôi, chỉ tính khoảng 10 ha ruộng, mỗi mùa tối thiểu thu hoạch 40 tấn lúa thì thu được 240 triệu đồng” - anh Hoa chia sẻ.
Mỗi năm, anh Hoa thu hoạch khoảng 40 tấn thóc, bán được hơn 200 triệu đồng
Hỏi về những dự định sắp tới, anh Hoa cho biết, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có. “Từ trước tới nay, chúng tôi không trông chờ, ỷ lại các chính sách hỗ trợ vì nghĩ rằng, mình sản xuất là phục vụ cuộc sống của chính gia đình mình. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở nhất là dù đã nhiều lần thực hiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đất trang trại nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có trong tay bìa đất để yên tâm sản xuất. Mong các cấp, ngành quan tâm, đồng hành với người nông dân trong những thủ tục này để tiếp thêm ý chí đánh thức những tiềm năng quê hương, làm giàu cho mình, cho xã hội”.