Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đang được các cấp, ngành và Nhân dân quan tâm. Để hiểu rõ việc triển khai thực hiện chủ trương này trên địa bàn Hà Tĩnh, PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với PGĐ Sở Y tế Đường Công Lự. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
Thưa ông ! Hiện nay, một số địa phương trong cả nước đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hà Tĩnh đã có sự chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng cho việc tiêm phòng?
- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngành y tế đã phối hợp với các ngành và địa phương khẩn trương, tích cực các bước chuẩn bị để khi vắc-xin được phân bổ về sẽ nhanh chóng triển khai tiêm phòng cho trẻ em.
Tiến sỹ Đường Công Lự: Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đến nay, ngành đã phối hợp với ngành giáo dục và các địa phương thực hiện rà soát, lập danh sách thống kê số lượng trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổng số trẻ trong độ tuổi rà soát được đến thời điểm này là trên 170.000 em. Ngành phối hợp với ngành giáo dục tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh hoặc người giám hộ về việc đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Nhờ thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên đến nay đã có khoảng trên 80% các bậc phụ huynh đồng ý cho trẻ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.
Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế tuyến huyện chuẩn bị các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã và phối hợp với ngành giáo dục chuẩn bị các cơ sở tiêm chủng lưu động tại các trường học, cơ sở giáo dục hoặc các điểm tiêm khác do UBND các huyện, thành phố, thị xã lựa chọn triển khai đảm bảo tiến độ, an toàn tiêm chủng. Chỉ đạo các bệnh viện/trung tâm y tế có giường bệnh trong tỉnh tổ chức điểm tiêm để sẵn sàng tiếp nhận tiêm chủng cho các em không đủ điều kiện tiêm tại trạm y tế và các điểm tiêm lưu động.
Qua rà soát, toàn tỉnh hiện nay có trên 170.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh Thúy Ngọc
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được giao nhiệm vụ làm đầu mối triển khai thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19, chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 bảo đảm đúng kế hoạch. Ngành cũng đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo bố trí cơ sở hạ tầng theo yêu cầu chuyên môn để tổ chức các buổi tiêm chủng an toàn.
Về mặt con người, thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập huấn, đào tạo được hàng ngàn cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng. Đội ngũ này đã thực hiện 32 đợt tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên trong suốt thời gian qua nên đã nắm vững quy trình chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm, năng lực tổ chức. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã có các đợt tập huấn, hướng dẫn cho toàn bộ cán bộ làm công tác tiêm chủng trong toàn hệ thống về việc triển khai tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi.
Nhìn chung, đến nay, mọi công tác chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được ngành y tế phối hợp với các ngành và địa phương cơ bản hoàn tất. Khi có vắc-xin được phân bổ về, ngành sẽ nhanh chóng tổ chức tiếp nhận, phân phối một cách phù hợp để tiêm phòng kịp thời cho các em.
Ngành đã có những phương án gì để ứng phó với các tình huống phát sinh có thể xảy ra trong quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ em?
- Cũng như các đợt tiêm phòng trước đây, công tác an toàn tiêm chủng là yêu cầu được đặt ra hàng đầu. Theo đó, yêu cầu các điểm tiêm phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy trình, hướng dẫn an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế; sẵn sàng nhân lực, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế theo quy định.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tổ chức an toàn, thành công các đợt tiêm phòng cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Ảnh: Trung tâm Y tế Hương Khê tiêm vắc-xin cho trẻ em trên 12 tuổi.
Cùng với đó, các phòng chuyên môn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế, phòng y tế tuyến huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai tiêm chủng. Đặc biệt là việc giám sát, thực hiện việc tiêm vắc-xin đúng độ tuổi và liều cho trẻ em lần này là 2 loại vắc-xin Pfizer và Moderna.
Các bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức các đội cấp cứu lưu động, xe cứu thương, củng cố, kiện toàn đội cấp cứu nội viện và ngoại viện, kích hoạt hệ thống báo động đỏ; sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng xử lý các tình huống có thể xẩy ra trong quá trình tiêm chủng trong thời gian nhanh nhất. Các bệnh viện/trung tâm y tế có giường bệnh trên địa bàn có trách nhiệm thường trực cấp cứu, sẵn sàng xử trí cấp cứu các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.
Đồng thời, giao BVĐK tỉnh củng cố, kiện toàn các đội cấp cứu nội viện và đội cấp cứu ngoại viện, kích hoạt hệ thống báo động đỏ, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xẩy ra trong tiêm chủng tại chỗ và chi viện cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu.
Xin ông thông tin rõ hơn về các loại vắc-xin sẽ được sử dụng tiêm phòng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ? Ông có khuyến cáo gì đối với các bậc phụ huynh?
- Loại vắc-xin sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, về độ tuổi và liều tiêm mỗi mũi của 2 loại vắc-xin khác nhau.
Đối với vắc-xin Pfizer sử dụng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng là 10mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều vắc-xin sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên, tiêm bắp, liều tiêm là 0,2ml. Tiêm mũi 2 cách nhau 4 tuần.
Các phản ứng rất thường gặp khi tiêm là: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt, đau cơ và ớn lạnh, sưng tấy tại vị trí tiêm… Không sử dụng vắc-xin Pfizer của người lớn để tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi.
Vắc-xin sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna.
Đối với vắc-xin Moderna sử dụng để tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi tiêm bắp, liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml). Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Các phản ứng rất thường gặp sau khi tiêm là: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác, đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.
Lưu ý là chỉ sử dụng 1 loại vắc-xin để tiêm đủ 2 mũi cho trẻ.
Việc tiêm phòng cho trẻ là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, nhất là khi thời gian qua có nhiều trẻ bị nhiễm bệnh đã có các triệu chứng vừa và nặng.
Trong bối cảnh mở cửa, các hoạt động đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường thì việc tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 là việc hết sức cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của trẻ. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cho con mình cơ hội tiêm phòng để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và nếu không may mắc COVID-19 thì sẽ giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Khi đưa trẻ đi tiêm, các bậc phụ huynh cần khai đầy đủ, rõ ràng, chi tiết tiền sử bệnh và đặc điểm sức khỏe của con mình nhằm giúp cán bộ y tế nắm đầy đủ thông tin trong quá trình khám sàng lọc để chỉ định tiêm được an toàn, cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng; động viên, hỗ trợ tâm lý trước khi đưa trẻ đi tiêm. Đồng thời, theo dõi sát các dấu hiệu bất thường sau tiêm như: phát ban, mẩn ngứa, sốt, ăn uống kém, nôn… để báo cáo ngay cho cán bộ y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghiêm trọng như: sốt cao, co giật, mệt lả, khó thở, tím tái…
Trong 3 ngày đầu sau tiêm, trẻ phải luôn có người hỗ trợ 24/24 giờ để phát hiện và xử lý sớm các bất thường nếu có nhằm đảm bảo an toàn.