“Sàng lọc” hòa giải viên để nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc tại cơ sở

(Baohatinh.vn) - Với phương châm “mỗi hòa giải viên là một tuyên truyền viên pháp luật”, từ đó góp phần hạn chế phát sinh các vụ khiếu kiện, thời gian qua, công tác kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở được huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) quan tâm, chú trọng.

“Sàng lọc” hòa giải viên để nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc tại cơ sở

Hòa giải viên Đậu Hồng Quế (thôn Hồng Nhất, Xuân Giang) thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật

Ông Đậu Hồng Quế - Trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thôn Hồng Nhất (xã Xuân Giang) nhớ lại lần đứng ra chủ trì hòa giải những mâu thuẫn giữa ông Đ.V.T. và em dâu là bà N.T.N. Ban đầu, các bên liên tục đưa ra quan điểm cá nhân và tranh cãi gay gắt; song, với bề dày kinh nghiệm của một cán bộ thôn lâu năm và kỹ năng hòa giải mềm dẻo, ông Quế phân tích thấu tình đạt lý, giải quyết ổn thỏa các mâu thuẫn. Kết thúc buổi hòa giải, bà N. đã nhận thức được vấn đề, tự nguyện tháo dỡ mái dẫn nước mưa, tránh ảnh hưởng đến nhà anh trai của chồng là ông T.

Với cách giải quyết, xử lý vấn đề vừa mềm dẻo, vừa dứt khoát, thấu đáo, tổ hòa giải thôn Hồng Nhất đã góp phần ngăn chặn tình trạng khiếu kiện, ổn định tình hình ANTT tại thôn xóm.Được kiện toàn từ tháng 8/2022, tổ hòa giải ở Xuân Giang hiện có 7 thành viên. Thông qua công tác nắm tình hình, giải quyết các vụ việc phát sinh từ mâu thuẫn trong Nhân dân, tổ hòa giải ở thôn Hồng Nhất nói riêng và xã Xuân Giang nói chung luôn xem xét, đánh giá một cách công bằng, toàn diện giữa hai yếu tố “lý” và “tình”. Từ đó, người dân tin tưởng vào hòa giải viên và chung tay giữ gìn ANTT ở địa phương.

“Sàng lọc” hòa giải viên để nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc tại cơ sở

Ông Quế trao đổi kinh nghiệm, thảo luận với công chức Tư pháp xã Xuân Giang nhằm lựa chọn phương pháp hòa giải tối ưu nhất.

Từ năm 2020 đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn thôn Hội Tiến (xã Xuân Hội) cũng cơ bản ổn định, các vụ việc nảy sinh đều được hòa giải thành ngay từ cơ sở, không kiến nghị lên cấp xã. Tuy nhiên, đến nay, do sức khỏe của một số thành viên trong tổ hòa giải thôn không đảm bảo, khó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới nên thôn Hội Tiến đã tiến hành rà soát, kiện toàn.

Tháng 8/2022, ông Lê Văn Mạnh - Bí thư Chi bộ thôn Hội Tiến được Nhân dân tín nhiệm, chính thức bầu là hòa giải viên cơ sở. “Sau khi kiện toàn, tổ hòa giải thôn Hội Tiến gồm 5 thành viên (trong đó, có 2 người là hòa giải viên cũ và 3 người được bầu mới). Các hòa giải viên chủ yếu nằm trong ban công tác mặt trận thôn, là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Cùng với việc triển khai các công việc chung, chúng tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, thảo luận nhằm lựa chọn phương pháp hòa giải tối ưu nhất” - ông Mạnh chia sẻ.

Hiện, UBND xã Xuân Hội đã chỉ đạo 8 thôn trên địa bàn thực hiện rà soát các tổ hòa giải, cho thôi 8 hòa giải viên, công nhận mới 7 hòa giải viên (gồm 3 nữ, 4 nam có độ tuổi từ 35-65); đồng thời hoàn thành kiện toàn 6/8 tổ hòa giải có thay đổi về nhân sự. Đến thời điểm này, toàn xã có tất cả 48 hòa giải viên đang hoạt động.

“Sàng lọc” hòa giải viên để nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc tại cơ sở

Phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

Ngày 30/8 vừa qua, UBND xã Xuân Mỹ cũng đã ra Quyết định số 112/QĐ- CTUBND về việc công nhận tổ hòa giải tại thôn Thịnh Mỹ. Tổ hòa giải do bà Trần Thị Hóa - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn làm tổ trưởng và 8 thành viên.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ trao đổi: “Các tổ hòa giải có trách nhiệm hòa giải các vụ việc xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp liên quan trong thôn mình quản lý theo quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động hòa giải, hòa giải viên cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đối với những tranh chấp không thuộc phạm vihòa giải nhưng có thể ảnh hưởng đến trật tự, an ninh ở địa phương, chúng tôi cũng hướng dẫn tổ viên tổ hòa giải phải báo cáo UBND xã để xem xét và có biện pháp giải quyết”.

“Sàng lọc” hòa giải viên để nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc tại cơ sở

Ông Trần Hoàng Thạch - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân: Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, Phòng Tư pháp cũng đã biên soạn tài liệu, sổ tay về các quy định của pháp luật để các hòa giải viên nghiên cứu, trao đổi.

Được biết, đến nay, toàn huyện Nghi Xuân đã kiện toàn được 98/149 tổ hòa giải tại 149 thôn, tổ dân phố trên tổng số 17 xã, thị trấn. Dự kiến, đến hết tháng 9/2022, sẽ hoàn tất kiện toàn tổ hòa giải tại 51 thôn, tổ dân phố còn lại. Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ, 98/98 tổ trưởng tổ hòa giải đã được Phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hòa giải cơ sở. Bên cạnh đó, các công chức tư pháp - hộ tịch đã tham mưu cho UBND xã tổ chức giao ban, cấp phát sổ tay nghiệp vụ hòa giải cho các tổ hòa giải; thực hiện biên soạn, in ấn các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đất đai, dân sự… để cấp phát cho các hòa giải viên nghiên cứu, trao đổi.

Ông Trần Hoàng Thạch - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân cho biết: “Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện. Từ đó, hình thành cho mỗi cá nhân tinh thần, ý thức thượng tôn pháp luật, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị truyền thống và giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê nhà ngày càng văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast