Vỡ mộng làm giàu khi lao vào cơn sốt đất

(Baohatinh.vn) - Đầu tư mua, bán đất thua lỗ, Phạm Thị Oanh (SN 1980, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) như con thiêu thân lao vào vòng xoáy nợ nần. Để có tiền trả nợ, Oanh đã liên tục đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt gần 4,7 tỷ đồng.

Vỡ mộng làm giàu khi lao vào cơn sốt đất

Phạm Thị Oanh (SN 1980, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà) tại phiên tuyên án vào chiều 20/4 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong phiên tuyên án tại hội trường Tòa án nhân dân tỉnh vào chiều 21/4/2023, Phạm Thị Oanh liên tục có biểu hiện mệt mỏi, cần đội ngũ y tế hỗ trợ. Trước đó, tại phiên tòa diễn ra vào ngày 17/3, hội đồng xét xử đã làm rõ hành vi phạm tội của Oanh. Tuy vậy, phiên xử đã phải hoãn tuyên án do sức khỏe bị cáo không đảm bảo.

Chứng kiến tình cảnh bi đát của Phạm Thị Oanh, nhiều người không khỏi thương xót. Họ cho rằng, bị cáo đáng trách nhưng cũng có phần đáng thương. Từng là người phụ nữ có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc bên chồng con và kinh tế ổn định nhưng hiện tại, Oanh đứng trước nguy cơ “mất trắng”. Bi kịch của Oanh xuất phát từ lòng tham, vì hám lợi cuộc sống giàu sang.

Năm 2021, khi thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh lên “cơn sốt”, Oanh quyết không bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Oanh vay mượn người thân, bạn bè tiền để đầu tư mua, bán đất trên địa bàn huyện Lộc Hà. Tuy vậy, công việc kinh doanh thua lỗ nên chỉ sau một thời gian ngắn (tháng 5/2022), tổng số nợ Oanh phải gánh lên tới khoảng 6,3 tỷ đồng.

Kể từ đó, cuộc sống của Oanh chỉ xoay quanh câu chuyện nợ nần. Do các khoản nợ quá hạn và liên tục bị đòi nên Oanh tìm mọi cách để có thể xoay được tiền. Từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2022, bằng việc đưa ra các thông tin gian dối như vay tiền để mua đất, chung vốn mua đất, Oanh đã chiếm đoạt tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng của 3 bị hại tại Lộc Hà. Trong đó, người nhiều nhất bị lừa gần 2,7 tỷ đồng và người ít nhất bị chiếm đoạt 900 triệu đồng.

Vỡ mộng làm giàu khi lao vào cơn sốt đất

Đại diện Viện kiểm sát xét hỏi Phạm Thị Oanh.

Ngồi trên hàng ghế dự khán, gương mặt của các bị hại thất thần, tâm trạng bế tắc. Một trong 3 người trình bày, chị đã đồng ý ngay sau khi nghe Oanh đặt vấn đề về việc vay hơn 1 tỷ đồng để làm thủ tục cho miếng đất mới mua và hứa hẹn sau 1 tuần sẽ trả, kèm theo 2 triệu đồng tiền “hoa hồng”. Để có tiền đưa cho Oanh, chị gom toàn bộ tài sản của gia đình, vay mượn thêm nhà ngoại. Thế nhưng, đến hạn trả nợ, Oanh liên tục thất hẹn và sau đó nhắn tin thông báo vỡ nợ.

Quá trình điều tra, Phạm Thị Oanh đã trả lại cho 3 bị hại tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, người cho vay ít nhất (900 triệu đồng) đã may mắn được hoàn trả lại toàn bộ số tiền và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

2 bị hại còn lại rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Để có tiền cho Oanh vay, họ cũng phải xoay xở, vay mượn anh em, họ hàng. Đến nay, bản thân những người này cũng phải tránh mặt người thân, bị gia đình trách móc, chất vấn.

Khi được nói lời sau cùng, Phạm Thị Oanh không ngừng khóc, bày tỏ sự hối hận. Bị cáo thừa nhận, chính lòng tham đã đẩy bản thân, gia đình và cả những người vô tội vào bi kịch. Bị cáo trần tình, trước lợi nhuận quá lớn và nhanh chóng từ cơn sốt đất, bản thân đã không giữ được bản lĩnh.

Bước chân vào lĩnh vực bất động sản đầy rủi ro, bản thân Oanh lại là người thiếu nguồn vốn, thiếu hiểu biết lẫn kinh nghiệm kinh doanh. Để rồi, không dự báo được những biến động bất ngờ của thị trường, Oanh đã vay tiền tỷ “lướt sóng” đất với giá cao nhưng không bán được. Và rồi, nợ chồng nợ, lãi chồng lãi là điều tất yếu. Vì vậy, Oanh đã liều lĩnh vay mượn tiền của các bị hại dù biết khó có khả năng thanh toán.

Vỡ mộng làm giàu khi lao vào cơn sốt đất

Hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo.

Chủ tọa phân tích, vụ án này cũng xuất phát từ một phần lỗi của các bị hại. Vì hám lợi, 3 người này đã không tìm hiểu kỹ về công việc kinh doanh mà sẵn sàng cho Oanh vay mượn với số tiền lớn. Vị chủ tọa cũng đưa ra lời cảnh báo, hiện nay, rất nhiều người đang đứng trước tình cảnh lao đao vì cơn sốt đất. Xuất phát từ lợi nhuận, không ít người sẵn sàng vay mượn số tiền lớn để đầu tư trong khi bản thân không có chuyên môn, kiến thức. Việc đầu tư này sẽ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường, tiền mất, tật mang và vụ án Phạm Thị Oanh chính là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất.

Xét thấy hành vi của Phạm Thị Oanh là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast