Sáng 21/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Cụ thể hoá các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025
Hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành trong cả nước
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã thông qua thực hiện 3 chương trình MTQG: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM. Trước bối cảnh và yêu cầu mới với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo công tác triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan báo cáo công tác triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.
Báo cáo triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Một số mục tiêu cụ thể của chương trình là đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Ưu tiên nguồn lực để triển khai, thực hiện các chương trình MTQG
Hội nghị cũng đã nghe đại diện lãnh đạo một số địa phương báo cáo về công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Đại diện tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội nghị.
Các địa phương bày tỏ quyết tâm cao trong việc triển khai, thực hiện 2 chương trình MTQG, đồng thời nêu một số kiến nghị đề xuất như: đề nghị các bộ, ngành khẩn trương ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện 2 chương trình; quan tâm, bổ sung bố trí nguồn lực để thực hiện các đề án, ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình; quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; quan tâm về kinh tế số, chuyển đổi số trong xây NTM cùng với vấn đề nước sạch khu vực nông thôn, xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình, cụm dân cư.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, ngay từ năm 2021, Hà Tĩnh đã chủ động, cơ bản hoàn thành hệ thống các văn bản pháp lý và cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn: Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Hà Tĩnh xác định nội lực là chính, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thành công Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM do Thủ tướng Chính phủ giao, xem đây là trách nhiệm thực hiện mô hình thí điểm để Trung ương tổng kết, đánh giá, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM áp dụng cho cả nước.
Nhờ chủ động triển khai, nên mặc dù trong bối cảnh chung là chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương, nhất là cấp cơ sở tổ chức, vận động, hướng dẫn người dân hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới gắn kết chặt chẽ với công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Lũy kế đến hết năm 2021, Hà Tĩnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 173/182 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 95% tổng số xã), 45 xã đạt chuẩn nâng cao, 3 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 914 Khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay có 29/29 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển đã thoát khỏi tình trạng xã nghèo; không còn xã đặc biệt khó khăn miền núi, không còn thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo từ đầu nhiệm kỳ là 11,4% (đầu năm 2016) xuống còn 3,05% (cuối năm 2021).
“Trong Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM có nhiều nội dung, tiêu chí có tính mới, thí điểm, rất cần sự giúp đỡ, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Đề nghị các bộ, ngành quan tâm, bố trí các nguồn vốn thuộc thẩm quyền của các bộ và hỗ trợ, giúp đỡ Hà Tĩnh xây dựng các mô hình thí điểm theo nội dung, tiêu chí của ngành phụ trách theo các nội dung của Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn nêu đề xuất.
Chủ động, linh hoạt trong thực hiện các chương trình MTQG
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, việc triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, tập trung cao cho phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu kết luận hội nghị.
Từ những định hướng trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG.
Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG, làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG.
Các địa phương khẩn trương trình HĐND phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG đoạn 2021 – 2025 để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình năm 2022.
Triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình MTQG.