Phát tán thông tin cá nhân về bệnh nhân Covid-19 là vi phạm pháp luật!

(Baohatinh.vn) - Phát tán thông tin cá nhân thiếu kiểm chứng về người nhiễm, nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều người dùng mạng xã hội ở Hà Tĩnh đang vi phạm các quy định của pháp luật về quyền được bảo vệ thông tin của công dân.

Từ ngày 4/6 tới nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 42 bệnh nhân Covid-19, kéo theo đó là hàng vạn người có yếu tố dịch tễ trong diện phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà và tự theo dõi sức khoẻ.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các ca F0 khiến công tác truy vết, xét nghiệm của ngành chức năng vô cùng khó khăn (Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh lấy mẫu xét nghiệm cho công dân). Ảnh: Thu Hà.

Khi không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, hầu hết bệnh nhân đều phải chịu những tổn hại về sức khỏe thể chất, tinh thần. Thế nhưng, điều làm họ suy sụp nhiều nhất có lẽ vẫn là sự kỳ thị, soi mói quá nhiều từ cộng đồng xã hội đến cuộc sống riêng tư. Thậm chí, lịch trình của họ còn bị suy diễn thành nhiều câu chuyện được rất nhiều hội nhóm bàn tán, khiến cuộc sống của họ và những người liên quan bị đảo lộn, tinh thần không yên ổn.

Có thể dễ dàng nhận thấy một thực tế là dù khi cơ quan chức năng chưa chính thức công bố danh tính của ca nhiễm mới, nhưng thông tin về họ đã xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các hội nhóm, các trang mạng xã hội.

Các thông tin về tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, lịch trình tiếp xúc, mối quan hệ gia đình, xã hội, hình ảnh của bệnh nhân và người liên quan... được những người tự xưng là “giới thạo tin” đào bới, khai thác triệt để. Và, trong số những thông tin được lan truyền đó, “fake news” không ít.

Người dùng mạng rất dễ bị rơi vào “ma trận thông tin” trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát.

Thường xuyên phải tiếp cận những thông tin thiếu căn cứ trong mùa dịch, chị Phan Thị Thanh Hiền (phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) bày tỏ quan điểm: “Không hiểu sao nhiều người lại thích lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng đó. Sự phát tán tràn lan như vậy làm người dân dễ lạc vào “ma trận thông tin” giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”.

Người nhiễm Covid-19 là bệnh nhân, không phải tội phạm, điều họ cần là sự chia sẻ, động viên. Một lượt like, bình luận, chia sẻ của người dùng mạng chỉ mất một phút nhưng có thể hủy hoại danh dự cá nhân, uy tín của tổ chức và thậm chí có thể khiến nhiều gia đình tan nát.

Nếu họ vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh thì sẽ có cơ quan chức năng xử lý, nhưng việc phát tán thông tin bịa đặt, thiếu căn cứ là xâm phạm cuộc sống riêng tư của bản thân người bệnh và gia đình họ khiến họ có tâm lý sợ trở thành “nạn nhân” của truyền thông, e ngại, thiếu hợp tác khi cung cấp thông tin. Nếu thế sẽ gây khó khăn, trở ngại lớn cho công tác truy vết, kiểm soát, ngăn chặn dịch của cơ quan chức năng tại địa phương.

Sự xuất hiện những thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng gây trở ngại cho công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng (Trong ảnh: Cơ quan chức năng lập chốt phong tỏa khu vực sinh sống của bệnh nhân Covid-19).

Theo quy định của pháp luật, người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc người liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 (F1, F2, F3…) đều phải có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin được quyền cung cấp tất cả thông tin này lên mạng xã hội hay phương tiện truyền thông khi chưa được phép.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Châu (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Pháp luật quy định rất rõ về việc tôn trọng, bảo vệ đời tư của cá nhân, không ai được cung cấp thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý của cá nhân người đó.

Cụ thể, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”; tại Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”; tại Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”.

Như vậy, rõ ràng việc tự ý đăng tải, lan truyền thông tin cá nhân của người bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 lên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật. Dù vô tình hay cố ý, nhiều người dùng mạng xã hội ở Hà Tĩnh thời gian gần đây đang vi phạm quy định pháp luật.

Chủ tài khoản Facebook N.H.Tr. (SN 1990, trú tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã bị xử phạt 5 triệu đồng vì thông tin sai sự thật về người bị nhiễm Covid-19 trên địa bàn.

Vậy nên, để không biến mình từ nạn nhân trở thành “tội đồ”, mọi người đều phải có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định phòng dịch, khai báo trung thực, đầy đủ để giúp công tác kiểm soát dịch được nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ việc “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài việc bị xử phạt, người vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin về cá nhân mà mình đã đăng tải, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, trong trường hợp người nào có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân và loan truyền những thông tin sai sự thật đối với những người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc những người liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 nhằm mục đích xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất từ 3 - 7 năm tù.

Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Châu

Chủ đề Luật sư của bạn

Chủ đề ĐỒNG LÒNG, HỢP SỨC NGĂN DỊCH COVID-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói