Phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn

(Baohatinh.vn) - Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh là các lực lượng chính sẽ được huy động khi có yêu cầu chi viện.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành phương án tổ chức chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Theo đó, khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã (cấp huyện), cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV và cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), tốc độ lan tràn lửa nhanh, vượt quá khả năng ứng cứu, chữa cháy của lực lượng, phương tiện tại chỗ và cấp chính quyền địa phương thì chủ tịch UBND cấp huyện kịp thời báo cáo, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng.

Các ngành chủ động bố trí kinh phí mua sắm, sửa chữa các công cụ, dụng cụ và các điều kiện thiết yếu phục vụ cho lực lượng của mình trong công tác PCCCR.

Lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng cấp tỉnh phải bảo đảm quân số tối thiểu theo quy định, có sức khoẻ, có tổ chức, biên chế và chỉ huy theo quy định, sẵn sàng khi có lệnh huy động; đồng thời, phải đảm bảo tính kịp thời, cơ động cao, đầy đủ, hiệu quả, an toàn về người và tài sản khi tham gia chữa cháy rừng. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng và các điều kiện hậu cần thiết yếu tại chỗ, như: dụng cụ cứu thương, bảo hộ lao động, nước uống, xăng dầu, lương thực… cho lực lượng chữa cháy. Người chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng tham gia chữa cháy phải có kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy rừng; nắm chắc thông tin về cấp dự báo cháy rừng và có khả năng phối hợp tác chiến chữa cháy rừng.

Về huy động lực lượng trong tỉnh, lực lượng chủ yếu, nòng cốt ứng cứu chữa cháy rừng cấp tỉnh gồm các lực lượng thuộc: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT do Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Hà Tĩnh huy động khi có yêu cầu chi viện.

Giao chỉ tiêu tối thiểu lực lượng nòng cốt của các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 150 chiến sỹ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 150 chiến sỹ, Công an tỉnh 100 chiến sỹ, Sở NN&PTNT 100 cán bộ (riêng lực lượng kiểm lâm huy động toàn bộ lực lượng trên địa bàn cấp huyện xảy ra cháy rừng và các huyện, thị xã liền kề).

Các đơn vị xây dựng phương án huy động lực lượng chữa cháy rừng, lập danh sách và cử cán bộ phụ trách chỉ huy, số điện thoại liên lạc gửi về Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) trước ngày 15/5/2024 để tổng hợp, chủ động sẵn sàng khi được huy động.

Khi có cháy lớn xảy ra tại các địa phương, đơn vị, cấp dự báo cháy rừng ở cấp (IV-V), huyện, thành phố, thị xã không kiểm soát được đám cháy, có yêu cầu ứng cứu lực lượng của tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ căn cứ tình hình cụ thể để huy động lực lượng nêu trên hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị.

Thủ trưởng các đơn vị và lực lượng theo phương án huy động nêu trên phải chủ động chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và hậu cần thiết yếu, bảo đảm quân số thực hiện chế độ thường trực trong thời gian cao điểm nắng nóng (cấp dự báo cháy rừng cấp IV - V), sẵn sàng ứng cứu chữa cháy rừng khi được huy động.

Ngoài lực lượng tối thiểu quy định đối với các ngành nêu trên, tùy theo tình hình cụ thể từng vụ cháy, nguy cơ và khả năng kiểm soát cháy; Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ quyết định tiếp tục điều động lực lượng các ngành, đơn vị và địa phương liên quan để chữa cháy.

Trường hợp xảy ra cháy lớn vượt quá khả năng cứu chữa của các lực lượng, phương tiện trong tỉnh, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, phối hợp với Quân khu 4 và lực lượng chức năng của các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt nghiêm trọng.

Về phương tiện, các đơn vị được huy động, chủ động bố trí phương tiện để chở người và dụng cụ của đơn vị tham gia chữa cháy. Cụ thể: Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh: mỗi đơn vị có kế hoạch chuẩn bị từ 3 đến 4 ô tô bảo đảm đủ chở người và dụng cụ của đơn vị; Sở NN&PTNT có kế hoạch chuẩn bị 4 ô tô bảo đảm đủ chở người, dụng cụ của đơn vị và yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh.

Ngoài ra, tùy vào quy mô đám cháy, Ban Chỉ đạo và chỉ huy chữa cháy rừng tỉnh chỉ đạo các lực lượng huy động thêm các phương tiện như xe cẩu, xe xúc, dao rạ, cưa xăng, máy thổi gió, máy bơm chữa cháy, xe chuyên dùng,… (của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn) để tạo đường băng cản lửa, tham gia tổ chức chữa cháy khi có yêu cầu.

Cùng đó, các ngành chủ động bố trí kinh phí mua sắm, sửa chữa các công cụ, dụng cụ và các điều kiện thiết yếu phục vụ cho lực lượng của mình như: máy thổi gió, loa cầm tay, bộ đàm chỉ huy, cưa xăng, cưa đơn, dao phát, đèn pin, giày tất, mũ…; chuẩn bị nước uống, lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế sơ cứu, xăng dầu bảo đảm tối thiểu cho lực lượng chữa cháy. Thực hiện chế độ tự chủ, tự bảo quản và sử dụng các phương tiện, dụng cụ của mình...

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Chủ đề Cháy nổ

Chủ đề Cháy rừng ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói