Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân khôi phục chăn nuôi sau “bão” dịch

(Baohatinh.vn) - Quá trình tái đàn trong chăn nuôi gặp không ít khó khăn do nguồn lợn giống khan hiếm, giá đang “neo” ở mức cao. Các ngành, địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung thực hiện các giải pháp để đồng hành cùng người chăn nuôi.

Giá lợn giống tăng cao, người dân gặp khó trong tái đàn

Mặc dù đã tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại và rất muốn thực hiện tái đàn, khôi phục chăn nuôi nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) chưa mua được con giống do giá liên tục duy trì ở mức cao, từ 3,1 - 3,3 triệu đồng/con trong thời gian qua.

Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân khôi phục chăn nuôi sau “bão” dịch

Có quy mô chuồng trại 20 con/lứa nhưng sau đợt dịch tả lợn châu Phi gia đình chị Hiền chưa mua được lợn giống vì giá cao.

Chị Hiền cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi của các nông hộ như chúng tôi. Vốn đầu tư không có, lợn giống lại đắt đỏ, tôi đành phải bỏ chuồng trống. Mong muốn lớn nhất hiện nay của người chăn nuôi là có chính sách hỗ trợ về con giống hoặc nguồn vốn để sớm tái đàn".

Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân khôi phục chăn nuôi sau “bão” dịch

Đàn lợn 6 con của gia đình chị Phan Thị Long (tổ dân phố 2, thị trấn Đức Thọ) đã gần đến ngày xuất chuồng nhưng chị chưa mua được con giống để thả gối đầu.

Còn gia đình chị Phan Thị Long (tổ dân phố 2, thị trấn Đức Thọ) đang có 1 đàn lợn thịt đạt trọng lượng từ 60 – 70 kg/con chuẩn bị xuất chuồng nhưng đến nay chị vẫn chưa liên hệ được nơi để mua giống, chuẩn bị cho đợt thả mới.

Chị Long chia sẻ: “Khi DTLCP cơ bản được khống chế, giá lợn hơi tăng cao, nếu có điều kiện để đầu tư chăn nuôi thì sẽ thu lãi nhiều. Tuy nhiên, gia đình có hỏi một số mối quen để nhập con giống nhưng vẫn chưa có. Lợn giống tại địa phương bị hạn chế, còn ở trang trại thì số lượng không nhiều nên rất khó mua".

Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân khôi phục chăn nuôi sau “bão” dịch

Do ảnh hưởng của DTLCP, số lượng nái bị giảm nên nguồn lợn giống trên địa bàn tỉnh khan hiếm.

Ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân phun tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi. Đồng thời, khuyến khích tái đàn trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học nhằm có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, quá trình tái đàn vẫn gặp nhiều khó khăn vì đàn nái đã giảm mạnh do dịch, nguồn giống khan hiếm, đẩy giá lên cao”.

Hỗ trợ chăn nuôi đối với các trang trại, nông hộ

Trước những khó khăn đó, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai gói hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 214/2020/NQ – HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân khôi phục chăn nuôi sau “bão” dịch

Tỉnh hỗ trợ 1 lần kinh phí mua lợn nái hậu bị cấp bố mẹ, lợn giống thương phẩm; mức hỗ trợ 5 triệu đồng/con lợn nái hậu bị, tối đa 150 triệu đồng/trang trại, 1 triệu đồng/con lợn giống thương phẩm, tối đa 20 triệu đồng/hộ.

Được biết, đối với các hộ chăn nuôi, trang trại đủ điều kiện quy định trong Nghị quyết, tỉnh hỗ trợ 1 lần kinh phí mua lợn nái hậu bị cấp bố mẹ, lợn giống thương phẩm; mức hỗ trợ 5 triệu đồng/con lợn nái hậu bị, tối đa 150 triệu đồng/trang trại, 1 triệu đồng/con lợn giống thương phẩm, tối đa 20 triệu đồng/hộ.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho biết: “Cẩm Xuyên đã có công văn chỉ đạo các xã tiến hành cho người dân đăng ký, sau đó, thực hiện rà soát cụ thể, lập danh sách gửi lên huyện vào đầu tháng 8. Huyện cũng đã xem xét, kiểm tra chi tiết và có 89 hộ chăn nuôi, trang trại đăng kí đạt tiêu chuẩn để trình lên Sở NN&PTNT với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là hơn 2,81 tỷ đồng (trong đó có 9 hộ mua lợn nái, 80 hộ mua lợn thịt)”.

Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân khôi phục chăn nuôi sau “bão” dịch

Chính sách sẽ tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ người dân có nguồn vốn phát triển sản xuất, tái đàn sau “bão” dịch.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ là từ ngày 10/7 đến 31/12/2020. Dự kiến, trên toàn tỉnh, số lượng lợn được hỗ trợ là 1.600 con lợn nái, 16.000 con lợn giống thương phẩm. Đây là một chính sách thiết thực, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với việc khôi phục và thúc đẩy hoạt động chăn nuôi trên địa bàn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi DTLCP.

“Hiện nay, các huyện đang tập trung tiến hành rà soát, phân loại từ cơ sở, lập danh sách trình lên Sở NN&PTNT để chính sách sớm đi vào sản xuất", ông Hùng cho biết thêm.

Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 214/2020/NQ – HĐND của HĐND tỉnh:

Các trang trại chăn nuôi lợn nái cấp bố mẹ có quy mô chuồng trại từ 20 con đến dưới 60 con đang dừng chăn nuôi đảm bảo các điều kiện: đã có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); khoảng cách từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 100m; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 150m; chuồng trại bố trí các ô chuồng phù hợp với từng loại lợn, theo các giai đoạn: đẻ, mang thai, cai sữa. Có kế hoạch bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải theo quy định, có hệ thống biogas để xử lý chất thải chăn nuôi tối thiểu 1m2/con; nái hậu bị cấp bố mẹ đạt khối lượng tối thiểu 80kg/con, có hồ sơ con giống theo quy định.

Các hộ chăn nuôi lợn thịt có quy mô chuồng trại từ 20 con đến dưới 50 con đang dừng chăn nuôi đảm bảo các điều kiện: khoảng cách từ chuồng nuôi đến nguồn nước, khu sinh hoạt gia đình và các hộ dân xung quanh tối thiểu 10m; về chuồng trại, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường: diện tích chuồng nuôi đảm bảo tối thiểu 1m3/con, có hệ thống biogas để xử lý chất thải tối thiểu 1m3/con.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast