Phát triển nghề nuôi hươu: Cần sự đầu tư tương xứng

(Baohatinh.vn) - Mặc dù là đối tượng nuôi chủ lực, phát huy hiệu quả tốt nhưng do đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, cộng thêm một số lý do khách quan nên nghề nuôi hươu gần đây đã bắt đầu chững lại. Nên chăng, tỉnh và huyện cần có sự quan tâm ở tầm vĩ mô hơn để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, nhân rộng nghề nuôi hươu, đưa sản phẩm chủ lực này phát triển tương xứng với tiềm năng riêng có của Hà Tĩnh.

>> Hương Sơn thu trăm tỷ từ nghề nuôi hươu truyền thống

Khó khăn trong phát triển đàn

Mặc dù là đối tượng nuôi hiệu quả nhưng nghề nuôi hươu ở Hương Sơn đang đứng trước một số khó khăn khiến tổng đàn bắt đầu chững lại, nếu không muốn nói là đã bị sụt giảm so với những năm gần đây. Trong khi kế hoạch phát triển đàn hươu của Hương Sơn đặt ra là 42.000 con vào cuối năm nay nhưng theo số liệu từ Phòng NN&PTNT Hương Sơn, hiện tổng đàn hươu chỉ đạt gần 32.000 con, giảm gần 4.000 con so với năm ngoái. Việc tổng đàn chững lại, thậm chí giảm sút là một sự thật cần được quan tâm đối với sản phẩm chủ lực này.

phat trien nghe nuoi huou can su dau tu tuong xung

Nhiều hộ dân Hương Sơn làm giàu từ nuôi hươu quy mô lớn

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hương Sơn Phan Xuân Đức, có nhiều nguyên nhân khiến đàn hươu Hương Sơn sụt giảm trong thời gian gần đây. Giá cả thị trường bấp bênh, thiếu ổn định là một trong những lý do chính. Ông Đức cho rằng, sản phẩm chính của hươu là nhung, trong khi chưa có cơ sở nào đủ mạnh đứng ra bao tiêu sản phẩm hoặc ký kết mua nhung ổn định cho người dân nên nhung luôn bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, giá nhung không ổn định và thậm chí là rẻ so với giá trị thực của nó.

Hiện nay, có 2 đơn vị đang thu mua sản phẩm nhung hươu Hương Sơn. Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đã đầu tư Nhà máy Chế biến các sản phẩm từ nhung hươu nhưng hiện chỉ thu mua được mỗi năm vài ba trăm kg; Công ty CP Sơn An Hà Tĩnh cũng chỉ thu mua được số lượng không đáng kể. Vì vậy, cơ bản toàn bộ nhung hươu Hương Sơn đều được bán cho tư thương trong vùng. Trong khi đó, các phường buôn này thường bắt tay “làm giá” với nhau nên nhung bị ép bán rẻ là điều dễ hiểu.

Cùng với đầu ra bấp bênh, theo ông Đức, còn có nguyên nhân khách quan khác làm cho đàn hươu ở Hương Sơn sụt giảm là bởi trước đây, khi chưa giao đất, giao rừng, người dân thường tự do đi chặt cây, chặt lá, cắt cỏ trong rừng về cho hươu ăn, nay rừng đã có chủ, cơ bản cây hoang dại đã được phát sẻ, trồng keo nguyên liệu nên việc kiếm thức ăn cho hươu càng khó khăn hơn. Và như vậy, khi người dân phải đầu tư trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn thì buộc phải tính toán chi phí. Vì thế, nhiều gia đình đã nuôi số lượng giảm dần; những con cho nhung không tốt, nhung nhỏ sẽ bị bán làm hươu thịt, khiến tổng đàn giảm sút.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ chăn nuôi hươu của tỉnh bị cắt; chính sách của huyện cũng cắt hỗ trợ đối với mô hình nuôi dưới 10 con khiến tổng đàn bị giảm tương ứng. Chẳng hạn, năm 2015, toàn huyện có 130 mô hình trên 10 con được thành lập nhưng 9 tháng năm nay, chỉ mới có 20 mô hình. Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm Lê Khắc Ái cho rằng, nuôi hươu hiệu quả nhưng đầu ra bấp bênh, đặc biệt là hươu giống và nhung ngày càng khó bán, gia đình ông cũng giảm từ 10 con xuống còn 6 con.

Giải pháp nào để phát huy vật nuôi chủ lực?

Trước sự chững lại của nghề nuôi hươu, huyện Hương Sơn cũng đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, huyện giao các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp để tăng tổng đàn; giao chỉ tiêu, định hướng cho các xã phát triển mô hình, kích nghề nuôi hươu phát triển trở lại.

Hiện nay, huyện đã điều tra, chọn lọc được 200 con hươu hạt nhân, có chất lượng nhung tốt, giống tốt và đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân lai chọn giống từ đàn hươu hạt nhân này để có đàn hươu chất lượng, tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Huyện cũng sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư vào đầu tư nhà máy chế biến nhung hươu, nhằm mong muốn sớm có một “bà đỡ” cho sản phẩm chủ lực này. Ngoài ra, sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm nhung hươu Hương Sơn và tăng cường quảng bá, liên kết với các đơn vị sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng từ nhung hươu để tìm thêm đầu ra cho bà con.

phat trien nghe nuoi huou can su dau tu tuong xung

Thực phẩm chức năng Cuhamine bào chế từ nhung hươu

Theo ông Nguyễn Quang Lập - Bí thư Huyện ủy Hương Sơn, quan điểm của huyện xem con hươu là vật nuôi truyền thống và là sản phẩm chủ lực. Nuôi hươu vẫn là một nghề hiệu quả, cho thu nhập khá. Trước những khó khăn hiện nay, Hương Sơn sẽ có các chính sách để tháo gỡ, đưa nghề chăn nuôi hươu phát triển. Tuy nhiên, có những vấn đề vượt tầm của huyện nên rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh. Huyện mong muốn tỉnh quan tâm, đốc thúc các doanh nghiệp làm dự án chế biến nhung hươu đẩy nhanh tiến độ thực hiện để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Khi có đơn vị bao tiêu, thực hiện được chuỗi liên kết sản phẩm thì thị trường nhung hươu mới thực sự ổn định, nghề nuôi hươu mới phát triển bền vững.

Hươu là sản phẩm chủ lực, có tiềm năng phát triển không chỉ ở Hương Sơn mà còn có thể phát triển mạnh tại một số huyện miền núi, bán sơn địa như Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh và một số địa phương khác. Thực tế cho thấy, hươu dễ nuôi, kinh phí đầu tư thấp, hiệu quả cao, đưa lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra sản phẩm nên nghề nuôi hươu đang đứng trước nguy cơ chững lại. Thiết nghĩ, tỉnh cần có sự quan tâm đúng mức bằng các cơ chế, chính sách, bằng việc xây dựng thương hiệu và đặc biệt là khâu nối, tìm các doanh nghiệp lớn để thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm cho người nuôi hươu nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của sản phẩm chủ lực này. Không chỉ ở Hương Sơn, nghề nuôi hươu hoàn toàn có thể phát triển ở nhiều huyện khác, tạo thành một sản phẩm đặc trưng của vùng Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast