Nỗi sợ bầu cử Mỹ lặp lại ở Pháp?

Ngay trước giờ G (giờ bắt đầu 44 tiếng im lặng trước bầu cử vòng 2 tổng thống Pháp), 9 gigabyte dữ liệu chứa các email liên quan tới chiến dịch tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron đã bị tung lên mạng.

noi so bau cu my lap lai o phap

Ảnh của hai ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen (trái) và Emmanuel Macron (phải) tại điểm bỏ phiếu thuộc Tổng lãnh sự Pháp ở thành phố New York (Mỹ) ngày 6-5 - Ảnh: Reuters

Chúng được đăng tải trên một trang mạng chia sẻ dữ liệu công khai ngày 5-5 (giờ địa phương), chỉ vài giờ trước khi chiến dịch tranh cử của các ứng viên chính thức kết thúc. Nhóm quản lý chiến dịch tranh cử của ông Macron xác nhận, chiến dịch tranh cử đã "trở thành nạn nhân của một vụ tấn công tin tặc khổng lồ, cướp đi các email, tài liệu và thông tin tài chính" ngay trước "giờ giới nghiêm".

Ông Macron, cựu bộ trưởng kinh tế Pháp, đang là ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống, bỏ xa đối thủ Marine Le Pen trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Ông được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày mai với 62% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Le Pen chỉ được 38% (theo BFM TV và L’Express).

Tuy nhiên, kết quả khảo sát này được công bố trước khi tin tặc tấn công và phát tán các tài liệu chiến dịch của ông Macron lên mạng. Điều này đang khiến cho kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử vào ngày mai càng trở nên khó đoán định và đáng để theo dõi hơn bao giờ hết.

Trong khi báo đài Pháp hạn chế đưa tin hay bình luận về hai ứng viên (bị cấm theo luật im lặng 44 tiếng), Ủy ban bầu cử tổng thống Pháp đã cố gắng trấn an và hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của vụ tấn công tin tặc đến quyết định của người dân.

"Đêm cuối cùng trước thời khắc quan trọng nhất của đất nước và thể chế này, ủy ban kêu gọi tất cả những người đang hiện diện trên Internet và các mạng xã hội, không chỉ giới truyền thông, mà còn là tất cả công dân Pháp, hãy thể hiện trách nhiệm của mình.

Đừng chia sẻ hay phát tán các tài liệu bị rò rỉ. Đừng để sự chân thành trong từng lá phiếu bị bóp méo", Ủy ban bầu cử tổng thống Pháp kêu gọi ngày 6-5.

Tuy nhiên, theo Reuters, những nỗ lực của ủy ban này có thể sẽ không được như mong muốn trong thời đại mà con người ngày càng có nhiều cách tiếp cận các nguồn tin tức trực tuyến, các dòng chảy thông tin xuyên biên giới và một thế giới mạng ngày càng nhiều người dùng ẩn danh.

Truyền thông Pháp đang đưa tin về vụ tấn công tin tặc theo nhiều cách khác nhau. Trong khi tờ báo mạng Liberation đi hẳn "vơ-đét" thì các đài truyền hình chọn cách im lặng, né vấn đề này. Tờ Le Monde thì tuyên bố thẳng thừng trên trang web rằng sẽ không công bố bất kỳ nội dung nào của đống tài liệu bị rò rỉ trước ngày bầu cử, viện dẫn lý do "khối lượng tài liệu bị rò rỉ quá lớn, cần thời gian đánh giá chuẩn xác".

Trong khi đó, trên Twitter, cụm từ khóa #Macronleaks (tạm dịch: vụ rò rỉ của Macron) đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội này. Florian Philippot, phó chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc của bà Le Pen viết: "Liệu vụ rò rỉ Macron có thể dạy cho chúng ta điều gì không khi cánh báo chí chuyên điều tra đã cố tình giữ im lặng?"

Bất chấp vụ rò rỉ, nhiều cử tri tại một số lãnh thổ nước ngoài của Pháp và châu Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm vào ngày hôm nay (6-5), một ngày trước khi bầu cử chính thức ở Pháp. Theo Reuters, địa điểm bỏ phiếu đầu tiên đã mở cửa lúc 17h hôm nay (giờ Việt Nam) ở Saint Pierre và Miquelon, hai hòn đảo thuộc Pháp nằm ngoài khơi Canada.

Khoảng 1,3 triệu cử tri Pháp sống ở nước ngoài cũng sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống trong hôm nay, theo đài truyền hình France 24.

Luật im lặng 44 giờ trước ngày bỏ phiếu cũng được áp dụng cho cuộc bỏ phiếu vòng 2. Theo quy định, bắt đầu từ 0h ngày 5-5 (giờ địa phương), những thông tin và bình luận của các báo đài đều không được nhắc tới hai ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen. Việc im lặng sẽ chính thức chấm dứt sau khi điểm bỏ phiếu cuối cùng đóng cửa vào 20h ngày 7-5 (giờ địa phương).

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast