Khoai tây “bén duyên” vùng đất pha cát bạc màu ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau 3 vụ trồng thử nghiệm, cây khoai tây đã “bén duyên” vùng đất pha cát bạc màu Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), cho năng suất, hiệu quả kinh tế trên 50 triệu đồng/ha.

Khoai tây “bén duyên” vùng đất pha cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Người dân Thạch Sơn ra đồng thu hoạch khoai tây.

Về xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đúng vào dịp người dân các thôn: Đình Hàn, Sơn Tiến, Sơn Hà đang khẩn trương thu hoạch khoai tây để nhập cho doanh nghiệp đến mua tận ruộng. Chỉ vào đống khoai tây vừa thu hoạch, củ căng tròn xếp ở góc ruộng, bà Trần Thị Lục (thôn Đình Hàn) cho biết: Đây là năm thứ 2, gia đình trồng khoai tây trên đồng đất pha cát và đạt năng suất 8 tạ/sào.

“Năm nay được mùa, được giá, doanh nghiệp thu mua khoai tây tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Gia đình tôi làm 1 sào, trừ chi phí giống, phân bón hết 2,4 triệu đồng, còn lãi 3,2 triệu đồng” – bà Lục phấn khởi cho biết.

Khoai tây “bén duyên” vùng đất pha cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Khoai tây trồng trên đồng đất Thạch Sơn đạt năng suất, chất lượng cao.

Theo bà Lục, trồng khoai tây mất rất ít công chăm sóc. Thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch là 3 tháng nhưng quá trình làm đất đến chăm sóc, thu hoạch chỉ hết khoảng 5-6 ngày công/sào/lao động (từ làm đất, xuống giống, phủ nilon, bón phân và thu hoạch). Thời gian còn lại, người dân làm công việc khác.

Khoai tây “bén duyên” vùng đất pha cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Bà Trần Thị Lục ở thôn Đình Hàn đóng bao bì, kiểm tra chất lượng khoai tây trước khi nhập cho doanh nghiệp.

Thạch Sơn là địa phương có diện tích đất nông nghiệp khá lớn với hơn 442 ha nhưng đồng rộng phân chia thành nhiều vùng, không tập trung, địa hình cao cạn, bậc thang… rất khó trong việc điều tiết thủy lợi. Phần lớn diện tích đất ở đây là đất pha cát, đất nhiễm phèn nên rất khó cho phát triển các loại cây trồng, đặc biệt cây trồng vụ đông, hè thu. Trước những khó khăn bất lợi đó, cấp ủy, chính quyền địa phương Thạch Sơn đã trăn trở, tìm nhiều giải pháp để chuyển đổi cây trồng, cơ cấu mùa vụ phù hợp điều kiện thổ nhưỡng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Trần Đình Khương cho biết, năm 2018, được sự hỗ trợ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, địa phương đã thử nghiệm trồng khoai tây trên diện tích hơn 3 ha tại thôn Sơn Tiến và Sơn Hà. Qua thử nghiệm cho thấy, khoai tây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Thạch Sơn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng trước đây. Từ đó, vụ đông 2020, Thạch Sơn đã tăng diện tích trồng khoai tây lên 5 ha tại 3 thôn với 75 hộ tham gia.

Khoai tây “bén duyên” vùng đất pha cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Người dân Thạch Sơn nhập khoai tây cho doanh nghiệp đến thu mua tận ruộng.

“Vụ đông 2020, nhờ thay đổi biện phát kỹ thuật trong khâu gieo trồng, chăm sóc nên năng suất đạt 14 - 16 tấn/ha, tăng 25% so với vụ trước. Hiện, địa phương đang tổ chức sản xuất liên kết với Học viện Nông nghiệp từ khâu cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Vụ này, đơn vị thu mua tại ruộng cho người dân với giá 7.000 đồng/kg. Theo tính toán, trừ chi phí giống, phân bón, lãi 50 triệu đồng/ha” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Trần Đình Khương cho hay.

Sau vụ khoai tây thắng lợi được thu hoạch, trên vùng đất này, người dân thôn Đình Hàn, Sơn Tiến, Sơn Hà sẽ không cho “đất nghỉ”, tiếp tục gieo trỉa lạc vụ xuân để vừa cải tạo đất, vừa tăng thu nhập. Ngoài gieo trỉa lạc, vụ xuân 2021, Thạch Sơn cũng đang triển khai trồng 1,5 ha dưa chuột, bí theo hướng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

“Việc chuyển đổi cây trồng không chỉ tính đến năng suất, hiệu quả kinh tế mà phải chú trọng khâu ký kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Điều quan trọng là không phát triển ồ ạt 1 loại cây trồng mà phải phân chia mỗi vùng, mỗi thôn, mỗi vụ 1 loại cây trồng khác nhau, tránh hiện tượng dư thừa, ùn ứ cục bộ” – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn chia sẻ kinh nghiệm

Cách làm bài bản, thận trọng và hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ của Thạch Sơn là bài học kinh nghiệm để các địa phương học tập, triển khai phù hợp điều kiện từng địa phương.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast