Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả (Bài 1): Câu hát căng buồm cùng gió khơi...

(Baohatinh.vn) - Hừng đông vừa ló rạng, mặt biển và khoảng trời bừng lên màu đỏ tím, rồi tản dần thành màu vàng mật ong sánh mịn in rõ hình những khối mây dâng lên từ biển cả. Tháng 7, chính vụ cá nam, biển vạm vỡ và khỏe khoắn. Nắng tan chảy tô hồng những khuôn mặt rạng ngời, ấy là khi đoàn thuyền đánh cá trở về mang theo những món quà từ biển cả…

Chúng tôi có mặt ở chợ Cồn Gò (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên) từ lúc chưa tỏ mặt người. Gió sớm mai thổi nhẹ, mơn man mang hơi mặn của biển như đánh thức mọi giác quan của con người. Dòng người bắt đầu đổ về bến. Phần đông là dân buôn nhỏ, lỉnh kỉnh những sọt nhựa và cân đón những ghe cá, ghe mực trở về, rồi mua đi, bán lại làm kế sinh nhai. Những chuyến xe đông lạnh của mấy ông chủ lớn trong vùng đến sau cùng, bởi lẽ nguồn hàng cung cấp cho họ gần như đã cố định, chỉ chờ tàu cập bến là chuyển lên xe phân bổ khắp nơi, lúc ra Nghệ An, khi vào tận Quảng Bình.

Đoàn thuyền đánh cá chuẩn bị ra khơi.
Đoàn thuyền đánh cá chuẩn bị ra khơi.

Thường thì chợ Cồn Gò bắt đầu từ 4h sáng. Trong lúc chờ thuyền về, các chị, các mẹ ngồi thành từng tốp kể chuyện nhà, chuyện chồng con rồi cả chuyện biển Đông “dậy sóng”. Có người tranh thủ ăn sáng luôn trên bờ cát, thói quen này đã có cả mấy chục năm nay ở làng chài, có lẽ từ khi có bến cá này hoặc lâu hơn, từ lúc có người đàn ông biết đi biển. Chị Nguyễn Thị Hòa (Xuân Nam, Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Tôi đã theo nghề từ khi 15 tuổi, thường thì mua tôm, cá về phơi khô, bán cho các nhà hàng, khách du lịch. Mùa thu hoạch chính năm nay được cá, chủ yếu cá trích, cá mu, ngày nhiều có khi phải mấy chục tấn. Thế nên, những người làm nghề “hậu cần” như tôi cũng làm ăn được!”.

Bình minh lên cũng là lúc nhìn rõ những đoàn tàu đánh cá nối đuôi nhau vào bờ. Lần lượt, từng thúng cá được chuyền vào bờ trên những đôi vai vạm vỡ. Có vẻ như đêm qua trời yên biển lặng, thuyền về tôm, cá đầy khoang. Chủ thuyền Nguyễn Văn Sơn (quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nhưng lại chủ yếu hoạt động trên vùng biển của Hà Tĩnh, cứ vài ba hôm ra khơi lại trở về bến cá Cồn Gò nhập hàng, cho biết: “Thuyền tôi thường đánh bắt cách bờ khoảng 20- 25 hải lý, chỉ trừ khi biển động, gió lớn, còn không chúng tôi bám biển liên tục, 3-6 tháng mới về. Đang vào chính vụ cá nam, năm nay được mùa lắm, trung bình hai ba hôm ra khơi, chúng tôi thu về 15- 20 triệu đồng”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn vì lời hỏi thăm của mấy bạn thuyền với nhau. Trên những gương mặt sạm nắng, nhễ nhại mồ hôi vẫn ánh lên nụ cười tươi tắn. Anh Nguyễn Văn An, chủ tàu ở Thạch Lạc (Thạch Hà) cho biết: “Cá theo con nước, cứ ở đâu có cá là chúng tôi đi, miễn là trong vùng kinh tế của mình. Năm ngoái, tôi đã cải hoán tàu lên 90 CV để vươn khơi”.

Về lạch Thạch Kim (Lộc Hà), những con thuyền đang nằm nghỉ sau đêm dài ra biển. Tranh thủ thời gian, ngư dân tập trung vệ sinh tàu, chuẩn bị ngư cụ. Ông Đặng Văn Kính (xóm Long Hải) cho biết: “Mùa này đánh vùng lộng, chủ yếu là cá trích, cá ve, mực và cá làm nguyên liệu xay bột. Đêm qua, chúng tôi “bắt” được luồng cá giò, thu hoạch 50 tấn, lớn nhất từ đầu vụ tới nay. Chuyến này, chúng tôi thu về 150 triệu đồng”. Theo tìm hiểu, hiện Thạch Kim có những đội tàu xa bờ sở hữu phương tiện đến mấy trăm mã lực. Sản lượng 6 tháng đầu năm đạt gần 1.000 tấn, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị như: mực, ghẹ, ốc hương…; giá trị từ đánh bắt thủy sản tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013.

Đi biển không chỉ là nghề kiếm sống mà còn mang niềm tự hào của những “cột mốc sống” giữ chủ quyền biển đảo
Đi biển không chỉ là nghề kiếm sống mà còn mang niềm tự hào của những “cột mốc sống” giữ chủ quyền biển đảo

Hai tháng qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, rồi cả chuyện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam không những không làm bà con ngư dân nhụt chí mà còn thêm quyết tâm can trường bám biển. Ông Mai Xuân Hồ, ngư dân xóm Bắc Hà, Kỳ Hà (Kỳ Anh) cho biết: “Biển cho cá, tôm nuôi sống bao thế hệ người dân làng chài, không bám biển sao được?! Chúng tôi vẫn căng buồm ra khơi đều đặn vì trong trái tim của ngư dân, đi biển không chỉ là nghề kiếm sống mà còn mang niềm tự hào của những “cột mốc sống” giữ chủ quyền biển đảo”.

Người đi biển coi nhau như anh em, gặp thách thức lại càng kết thành một khối. Anh Đặng Ngọc Hòa, ngư dân xóm Hội Thủy, Xuân Hội (Nghi Xuân) chia sẻ: “Bây giờ ra khơi, chúng tôi càng nhắc nhau phải liên kết chặt để yểm trợ nhau một cách hiệu quả. Thời gian gần đây, địa phương và các tổ chức tặng quà, áo phao giúp chúng tôi thêm vững lòng, vì biết đồng bào cả nước đang cùng hướng về chúng tôi để cùng chung tay gìn giữ vùng biển của mình”.

Trong số những người đón đợi bình minh ở chợ cá Cồn Gò, cảng cá Thạch Kim, có người là dân buôn bán, có người chỉ đến để mua được mẻ cá tươi nhưng phần nhiều là những người phụ nữ ngóng chồng, ngóng con trở về từ trùng khơi sóng cả. Người ta nói, “đàn bà biển hồn treo cột buồm, còn đôi mắt là nẻo về an lành cho những người đàn ông của họ”. Bà Trương Thị Thanh (thôn Xuân Nam, Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Ông nhà tôi năm nay hơn 60 tuổi thì 40 năm theo nghề biển. Cũng chừng ấy năm như một thói quen, sáng nào tôi cũng ra đứng đây đợi, đợi thuyền no cá, đợi người trở về bình yên. Những người phụ nữ có chồng, con đi biển trong làng này đều như vậy”.

Chợt nhận ra, hàng trăm khuôn mặt ở bến cá dường như chẳng có ai lạ mặt nhau. Họ đến đợi trước bình minh như một lời hẹn. Họ ngồi ngay trên cát, những giọng nói rầm rì pha vào nhau đều như tiếng sóng. Còn đối với chị Trần Thị Chỉnh, vợ anh Mai Xuân Diện (Kỳ Hà), chồng đi biền biệt trên biển lại tự làm an lòng bằng niềm tin mãnh liệt. “Những đêm sóng to, gió cả, nhất là mấy hôm nghe tàu Trung Quốc gây hấn với ngư dân Việt Nam, nằm ở nhà mà không sao chợp mắt. Lo bao nhiêu thì thương chồng bấy nhiêu nhưng tôi vẫn tin anh ấy luôn vững tay chèo. Cũng may, bây giờ có điện thoại, biết ở nhà lo lắng nhiều nên cứ thuyền vào bến là nhà tôi lại liên lạc về báo tin. Lần nào chồng tôi cũng nói chắc như đinh: mình đánh cá trên vùng biển Tổ quốc, chẳng phải sợ tàu lớn, tàu bé nào hết”.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast