Mưu sinh trên những cánh rừng nguyên liệu

Dẫu chỉ gặp họ một lần, được nói chuyện với họ chỉ vài ba câu, nhưng hình ảnh của những con người vất vả mưu sinh trên cánh rừng nguyên liệu đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Đặc biệt, tôi được hiểu thêm về cuộc sống, về công việc mưu sinh của những nông dân rời làng lên làm thuê ở các cánh rừng nguyên liệu...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có rất nhiều cánh rừng nguyên liệu trong độ tuổi khai thác. Quá trình khai thác và trồng mới đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho một số lực lượng lớn lao động nông thôn sinh sống trong vùng đệm. Vì vậy, nhiều ngôi làng ven các rừng nguyên liệu ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn gần như vắng bóng đàn ông, thanh niên bởi họ đã vào rừng làm thuê.

Lao động nữ đang bóc vỏ keo tại khu vực Làng Vòng, xã Thạch Điền (Thạch Hà)
Lao động nữ đang bóc vỏ keo tại khu vực Làng Vòng, xã Thạch Điền (Thạch Hà)

Cuộc sống trong rừng tuy tạm bợ, làm việc vất vả, thiếu thốn nhưng lại cho thu nhập khá cao. Những tháng ngày quần quật với cây keo, cây tràm nơi “rừng thiêng, nước độc” đã giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu đáng kể.

Chúng tôi có mặt ở những cánh rừng nguyên liệu khu vực Thình Thình - Thạch Điền (Thạch Hà), bắt gặp nhiều nhóm người mà đa phần là phụ nữ, quần áo lấm lem, đầu đội nón, khăn trùm kín mặt. Trong tiếng cưa máy xen lẫn tiếng cây ngã đổ là những con người làm việc miệt mài như chạy đua với thời gian. Họ hì hục cắt đoạn, tước vỏ, bốc lên xe những khúc cây keo tràm trắng bóng.

Tranh thủ chút thời gian giải lao hiếm hoi, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Trước đây, chồng tôi chuyên đi xây, còn tôi theo phụ hồ, nhưng tiền công không ăn thua, công việc lại “bữa đực, bữa cái” nên chúng tôi đã chuyển sang bóc vỏ keo. Công việc này khá vất vả, hàng ngày phải đi làm xa, thời gian thất thường nhưng lại cho thu nhập khá. Bình quân mỗi chuyến ô tô, chúng tôi nhận khoán bóc vỏ rồi bốc lên xe được khoảng 700 ngàn đồng. Bình quân mỗi ngày chúng tôi kiếm được khoảng từ 250-320 ngàn đồng/ người”.

Ban ngày, những cái lán đơn sơ này dùng để che nắng cho cây keo non còn ban đêm là nơi tạm trú của các phu rừng
Ban ngày, những cái lán đơn sơ này dùng để che nắng cho cây keo non còn ban đêm là nơi tạm trú của các phu rừng

Vượt qua gần 20 km đường rừng, chúng tôi có mặt tại dốc 26 thuộc tiểu khu 231 của địa bàn xã Lộc Yên (Hương Khê). Trong bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng nguyên liệu độ tuổi 6-7 năm đang chờ khai thác, nhiều tốp người ngồi tránh nắng sau một buổi lao động cực nhọc. Bên cạnh họ là mấy bao tải đựng nồi niêu, gạo muối, chăn màn và các vật dụng cần thiết cho những ngày làm việc ở rừng.

Anh Lương Bá Thắng (xã Thạch Điền - Thạch Hà) khoe: “Toàn bộ khu vực mấy chục ha này là do nhóm chúng tôi nhận khai thác. Tuy hơi xa một chút nhưng đổi lại tiền công cao hơn. Tại địa điểm này, mỗi chuyến xe keo khoảng 15 m3 gỗ thì được trả công 650 ngàn đồng. Còn đối với những người trồng mới, đốt thực bì thì tiền công thấp hơn, bình quân mỗi ngày từ 250-300 ngàn đồng…”.

Anh Hoàng Danh Ngọc - một người chuyên vận chuyển keo trên tuyến quốc lộ 17 và tỉnh lộ 21 cũng khẳng định: “Hiện nay có rất nhiều người đang sống dựa vào cây keo nguyên liệu. Như cánh lái xe bọn tôi, nhiều người sau khi mua sắm xe nhưng không có việc làm nên vào đây chở keo. Bình quân mỗi ngày chạy khoảng 3-6 chuyến tùy vào khả năng, thời tiết, nguồn nguyên liệu và địa điểm. Với mức cước vận chuyển từ 400-500 ngàn đồng/chuyến thì mỗi ngày, trừ chi phí xăng, chúng tôi lãi dăm bảy trăm ngàn đồng”.

Qua những điều mắt thấy tai nghe ở các cánh rừng nguyên liệu, tôi hiểu thêm rằng, rừng còn có cả nỗi vất vả của những con người lao động chân tay. Đằng sau sự vất vả ấy là nguồn thu nhập đáng kể để người nông dân vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast