Thổi hồn vào gỗ

(Baohatinh.vn) - Chiều cuối năm, chúng tôi tìm về làng nghề mộc Thái Yên (Đức Thọ). Bận rộn chẳng ngơi tay, nghệ nhân Nguyễn Đăng Thế vừa làm việc, vừa trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề...

Lớn lên từ… đống mụn bào!

Ông tâm sự: “Ngày bé, nhà có xưởng gỗ nên tôi cũng mày mò chơi rồi lớn lên phụ cha làm nghề. 20 tuổi thì lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại, tôi trở về làng và quyết tâm khôi phục nghề truyền thống của ông cha. Cho đến nay, tôi vẫn đang thực hiện điều đó”.

Người dân nơi đây bao đời nay vẫn truyền tai nhau: trẻ Thái Yên “đẻ ra trên đống mụn bào”, lớn lên đã biết giúp bố mẹ chà nhám cho sản phẩm, hơn nữa thì tay dùi, tay đục đóng canh cách suốt ngày. Cậu bé Nguyễn Đăng Thế cũng đã lớn lên như vậy.

Thổi hồn vào gỗ ảnh 1

Bươn trải bao năm với nghề, nhưng ông Thế vẫn khiêm tốn: “Tôi chỉ đang cố gắng làm người chịu khó nhất”.

Năm 13 tuổi, ông đã biết phụ cha từ đánh giấy nhám, đến xẻ, bào gỗ. Cứ qua những lần như thế, đôi bàn tay cứng cáp, khéo léo, đôi mắt tinh anh hơn và cái đầu cũng đã biết sáng tạo nên những đường nét chạm, khắc sao cho đẹp mắt. 18 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, khi trở về, ông lại lao ngay vào nghề truyền thống. Lại ngày đêm đục đẽo, bào mài.

Đôi bàn tay chai sạn, chằng chịt những vết thương và cả những giọt mồ hôi, thậm chí là máu rỏ xuống để thành hình từng sản phẩm đồ gỗ đã phần nào nói lên nỗi vất vả, khó nhọc mà ông trải qua. Trở về với hai bàn tay trắng, dựng lại nghề mộc truyền thống của gia đình có lẽ là quãng thời gian khó khăn nhất đối với ông. Sản phẩm ban đầu làm ra ít, chưa đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, vì vậy, chưa được khách hàng đón nhận. Không bỏ cuộc, ông tiếp tục học hỏi và mày mò để có những sản phẩm đẹp mắt hơn. Bắt đầu từ cái ghế, đến tủ, giường, rồi bộ trường kỷ.

Thổi hồn cho từng khúc gỗ…

Làm một sản phẩm đồ gỗ với bất kỳ một người thợ làng mộc nào cũng là điều dễ dàng, nhưng để sản phẩm đó có những họa tiết đẹp mắt, độc đáo, đạt đến độ tinh xảo lại không hề đơn giản. Ông cho biết: “Đầu tiên là phải nắm được quy trình sản xuất tổng thể, rồi đến từng công đoạn, sau đó thì làm chắc chắn, khéo léo. Đặc biệt, mỗi sản phẩm muốn đạt đến độ tinh xảo thì người thợ phải làm bằng tất cả tình yêu, tâm huyết với nghề, phải gửi gắm tâm tư, tình cảm, thổi hồn vào sản phẩm”.

Sau nhiều năm làm nghề, năm 2010, bộ trường kỷ chạm truyền thống do chính tay ông Thế làm được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề. Năm 2011, ông được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghệ nhân làng nghề. Ông cũng là thành viên BCH Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đại diện khu vực Bắc Trung bộ.

Ông tâm sự: “Bộ trường kỷ đó, tôi miệt mài trong vòng 1 tháng, được khắc các họa tiết thể hiện cảnh sắc 4 mùa xuân - hạ - thu - đông của đất nước. Có lẽ, chính tình cảm, tâm huyết tôi gửi gắm vào đó đã làm nên kỳ tích”.

Hiện ông vẫn luôn sát sao chỉ bảo, truyền tâm huyết cho các tốp thợ, lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu. Không ít người từng học nghề ở ông, nay trở thành chủ xưởng mộc. Anh Nguyễn Đăng Hà chia sẻ: “Tôi làm ở xưởng gỗ bác Thế mấy năm nay, được bác chỉ dạy rất nhiều điều. Ai muốn học nghề, bác đều ân cần chỉ dạy rất tận tình, nghiêm khắc. Tôi nhớ mãi lời bác dặn: Phải đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng như chính mình đang dùng sản phẩm; đừng bao giờ dễ dãi với bản thân mà phải nỗ lực học nghề”.

Quyết tâm phục dựng cơ nghiệp cha ông đã thành hiện thực. Hiện, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nga quản lý xưởng gỗ và khu trưng bày sản phẩm mỹ nghệ gần 3.000 m2 với 2 cơ sở ở khu tiểu thủ công nghiệp Thái Yên. Với thương hiệu và uy tín đã tạo dựng được, doanh nghiệp Nga Thế trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều khách hàng tìm đến. Sản phẩm của làng mộc Thái Yên đã vươn ra khắp thị trường trong cả nước, có một phần không nhỏ từ đôi bàn tay của những nghệ nhân như ông. Vậy mà, khi nói về mình, ông khiêm tốn: “Tôi chỉ đang cố gắng làm người chịu khó nhất”.

Và đúng như thế! Trò chuyện với chúng tôi, nhưng ánh mắt ông vẫn không ngưng dõi theo mỗi hành động của người thợ. Câu chuyện cứ bị cắt ngang bởi những lần ông dặn dò, nhắc nhở thợ… Cũng bởi “chịu khó” nên ông “khó chịu” với những ai làm việc dối trá, qua loa. Công việc lại cuốn ông đi. Càng về cuối năm, càng bận rộn, nhưng tôi chẳng hề nhận ra sự mệt mỏi nơi ông. Thường trực trên khuôn mặt ông là nụ cười. Nụ cười đầy hạnh phúc của một người lao động chân chính.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast