Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tân Lộc “kêu cứu”!

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, nhiều tuyến kênh mương, đường giao thông nội đồng ở xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã xuống cấp, cần sớm được khắc phục để đảm bảo tưới, tiêu, vận chuyển phục vụ sản xuất.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tân Lộc “kêu cứu”!

Tuyến mương đất ở vùng đồng Sâu, thôn Tân Thành bị tê liệt nên 25 ha đất lúa ở khu vực này rất khó sản xuất.

Nhiều năm nay, tuyến mương đất dài khoảng 700m chạy ven vùng đồng Sâu của thôn Tân Thành gần như tê liệt do một đầu bị bịt kín bởi bờ bao của tuyến kênh Hồng Tân, đầu còn lại (giáp với xã Hồng Lộc) nước không thể thoát vì dòng chảy chưa được khơi thông đồng bộ. Điều này dẫn đến vùng đồng rộng lớn thường xuyên bị ngập úng, khó canh tác.

Tương tự, 2 tuyến mương dẫn nước của các máy bơm ở vùng đồng Làng Sau của thôn Tân Thượng và vùng đồng Biền Rào của thôn Tân Trung (mỗi tuyến dài 200m) nằm ở vùng thấp trũng, đất cát, chưa được kiên cố hóa, thường xuyên bị bồi lấp, sạt lở.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tân Lộc “kêu cứu”!

Mương dẫn nước về máy bơm ở vùng đồng Làng Sau của thôn Tân Thượng thường xuyên bị bồi lắng, sạt lở.

Ông Nguyễn Doãn Châu – Trưởng thôn Tân Thành cho biết: “Vùng đồng Sâu này có 25 ha đất sản xuất lúa của 120 hộ dân, chiếm 60% tổng diện tích đất lúa của thôn. Do tuyến mương duy nhất chưa được đầu tư xây dựng, mất khả năng tiêu thoát, bị ngập lụt nên vụ hè thu không thể sản xuất, còn vụ xuân cũng khó cày bừa, không thể gieo mạ (chỉ có thể cấy), thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất mùa”.

Ngoài các tuyến kênh dẫn trên, tuyến kênh cấp dài hơn 4 km đóng vai trò “xương sống” trong đảm bảo nước tưới cho hơn 200 ha đất sản xuất của các thôn Kim Tân, Tân Thượng, Tân Thành, được làm cách đây gần 20 năm, nay cũng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn thân bị bong tróc, hư hỏng, nước rò rỉ ở đáy, nền đất bên dưới bị sạt lở.

Theo con số thống kê của UBND xã Tân Lộc, trong tổng số hơn 20 km kênh, mương đóng vai trò quyết định tưới, tiêu phục vụ sản xuất của xã Tân Lộc, có khoảng 50% cần được nâng cấp, làm mới.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tân Lộc “kêu cứu”!

Tuyến kênh chính có vai trò cấp nước sản xuất cho hơn 200 ha đất lúa của các thôn Kim Tân, Tân Thượng, Tân Thành ngày càng xuống cấp, nhiều đoạn bị sạt lở và rò rỉ.

Không chỉ kênh mương xuống cấp mà đường giao thông nội đồng của xã Tân Lộc cũng nhiều bất cập, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con.

Được xem là huyết mạch dùng để vận chuyển phân bón, vật tư, nông sản và máy móc vào phục vụ sản xuất cho hơn 50 ha đất lúa của thôn Kim Tân và Tân Thượng nhưng đến nay, đường trục chính nội đồng vùng đồng Cao Đất vẫn chưa được kiên cố hóa bằng bê tông. Vào mùa vụ, người dân các thôn Tân Thượng, Kim Tân phải đi lại sản xuất, thu hoạch rất gian nan, vất vả vì con đường này chỉ cao hơn mặt ruộng khoảng 15 cm, mặt đường nhiều đoạn bị ngập nước, thân đường xói lở...

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tân Lộc “kêu cứu”!

Tuyến đường phục vụ sản xuất vùng đồng Cao Đất của thôn Kim Tân bị xuống cấp, nhiều đoạn ngập nước.

Theo ông Nguyễn Trọng Thảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lộc: “Toàn xã hiện có hơn 15km đường nội đồng đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất nhưng có gần 60% bị hư hỏng, nhỏ hẹp, không đáp ứng yêu cầu, cần được đầu tư, nâng cấp. Tình trạng đường giao thông nội đồng hư hỏng, thiếu đồng bộ khiến máy móc khó di chuyển xuống đồng ruộng, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và thu hoạch”.

Anh Nguyễn Tiến Dũng - thôn Tân Thượng chia sẻ: “Là xã thuần nông nhưng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đều xuống cấp, chưa đảm bảo, gây nhiều khó khăn, cản trở trong sản xuất, khiến nông dân phải tiêu tốn nhiều công sức, chi phí phát sinh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên xã ưu tiên hỗ trợ kinh phí, xi măng để sửa chữa, hoàn thiện đường sản xuất, mương tưới tiêu nhưng chưa được triển khai”.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tân Lộc “kêu cứu”!

Nhiều tuyến đường nội đồng nhỏ hẹp đang gây khó khăn trong sản xuất (ảnh ở thôn Tân Thượng).

Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Nguyễn Duy Đoàn cho biết, người dân và đại diện các thôn nhiều lần đề xuất ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng, nâng cấp một số tuyến kênh mương, đường nội đồng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn chế, mỗi năm chỉ bố trí được khoảng 250 triệu đồng nên không thấm vào đâu. Dù huyện Lộc Hà đã ban hành các chính sách hỗ trợ xi măng, kinh phí nhưng do nguồn nội lực hạn chế nên chưa thể “hấp thụ” được.

"Chúng tôi dự tính đến đợt chuyển đổi ruộng đất lần 3 (cuối năm 2023) sẽ quy hoạch, xây dựng lại hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất với mức kinh phí khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Đến thời điểm đó, xã sẽ tập trung huy động nguồn nội lực và đề xuất cấp trên tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ” - ông Nguyễn Duy Đoàn thông tin thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast