Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

(Baohatinh.vn) - Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã kiến nghị về công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh nhằm bàn giao toàn bộ mặt bằng đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Ảnh: Báo Giao thông.

Chiều 13/1, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có đại biểu, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành và đơn vị liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Năm 2022, ngành GTVT thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều thách thức khi tình hình thế giới biến động nhanh, khó dự báo và chưa có tiền lệ. Trong nước, tình hình thiên tai, lũ lụt, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn... ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động của ngành GTVT nói riêng.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ GTVT.

Mặc dù vậy, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ và cán bộ, công chức ngành GTVT đã nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ vướng mắc và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; 54 dự án nhóm A, B, C kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng ghi nhận sự đột phá. Bên cạnh một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được hoàn thành, đưa vào khai thác, 3 dự án thành phần khác đáp ứng thời gian thông xe kỹ thuật đúng yêu cầu. Bộ GTVT cũng đã phối hợp thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 ngay đầu năm 2023, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác giải ngân, dù được giao kế hoạch vốn cao kỷ lục so với các năm trước đó (tổng kế hoạch vốn khoảng 55.000 tỷ đồng), song dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các nhóm giải pháp hiệu quả, Bộ GTVT đã giải ngân được gần 96% kế hoạch được giao, tiếp tục đứng trong top các bộ, ngành giải ngân cao so với mức trung bình chung cả nước.

Năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trật tự ATGT. Hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Điểm đen tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh đoạn qua phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh được xóa bỏ trong năm 2022 nhờ lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cải tạo lại nút giao.

Phát huy các kết quả đạt được, năm 2023, Bộ GTVT quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất.

Trong đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, tính ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động vận tải trong nước, tập trung phục hồi vận tải quốc tế, đặc biệt phục hồi các đường bay quốc tế, vận tải liên vận đường sắt; tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2022; hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án, hoàn thành 29 dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (được giao khoảng 94.161 tỷ đồng)...

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT có nhiều tham luận thiết thực, đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại, vướng mắc của ngành GTVT.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trình bày tham luận về “công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa bàn tỉnh dài 104km (tương đương gần 40% chiều dài đoạn tuyến Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị) với khối lượng cần GPMB là 1.000 ha đất các loại, trên 8.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó phải tái định cư 800 hộ, cất bốc hơn 1.000 ngôi mộ; xây dựng 28 khu tái định cư; di dời khối lượng lớn công trình, hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông...

Với quyết tâm, nỗ lực của tỉnh cùng sự đồng thuận của người dân, cũng như sự phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành Trung ương, trước 10/11/2022, tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho các Ban QLDA của Bộ GTVT đạt 81% khối lượng - vượt yêu cầu 10 ngày và vượt 11% khối lượng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra thực tế công tác GPMB ở địa phương.

Có được kết quả như vậy là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tập trung công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; tăng cường công tác, quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, mỏ vật liệu của các cấp đối với các khu vực tuyến cao tốc đi qua; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện công tác GPMB và phối hợp hiệu quả, kịp thời của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương, nhất là với Bộ GTVT.

Dù đã đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng phần khối lượng GPMB còn lại (19%) còn khó khăn và khá phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hướng dẫn một số nội dung cần tháo gỡ trong thủ tục cấp mỏ vật liệu, bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích khu vực mỏ vật liệu xây dựng; nguồn để bồi thường, tái định cư đối với 2 khu đất quốc phòng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành GTVT trong năm 2022, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định của đất nước, nhất là sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Hà Tĩnh kiến nghị về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh Báo Giao thông.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ ngành GTVT trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành cần chủ động xây dựng các phương án để đối phó với những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới; nghiêm túc bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc.

Cần có sự sáng tạo, linh hoạt để tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” trong triển khai các nhiệm vụ; tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền trong đầu tư, thực hiện các dự án; đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để phát triển nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả; các đơn vị, địa phương cần chủ động, tích cực theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của đơn vị, địa phương mình, chứ không chỉ trông chờ từ Trung ương.

Về triển khai dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc là không chia nhỏ dự án, không đầu tư dàn trải, manh mún, không để xảy ra tình trạng bán thầu sai quy định. Các dự án đã được phê duyệt phải triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn bất hợp lý; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...

Chủ đề An toàn giao thông

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast