Libya sẵn sàng cho cuộc bầu cử Hội đồng lập hiến

Ngày 20/2 tới, các cử tri Libya sẽ đi bỏ phiếu bầu Hội đồng lập hiến nhằm tháo gỡ bế tắc cho quá trình chuyển tiếp hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này sau làn sóng biểu tình lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi năm 2011.

Chủ tịch Đại hội Toàn thể Dân tộc Libya, Nuri Abu Sahmein. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Đại hội Toàn thể Dân tộc Libya, Nuri Abu Sahmein. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng lập hiến sẽ bao gồm 60 thành viên, chia đều cho ba khu vực. Trong hội đồng, 6 vị trí được dành cho nữ giới và 6 vị trí dành cho cộng đồng thiểu số. Theo Ủy ban bầu cử cấp cao quốc gia của Libya, hiện có 692 ứng cử viên, trong đó có 73 phụ nữ, đã đăng ký tranh cử.

Hiến pháp mới sẽ bao gồm các vấn đề chủ chốt quy định hệ thống chính phủ của Libya, quy chế dành cho các cộng đồng người thiểu số và vai trò của luật Hồi giáo Sharia. Văn kiện này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực.

Hiện chỉ có 1,1 triệu cử tri đăng ký tham gia cuộc bỏ phiếu bầu Hội đồng lập hiến, ít hơn rất nhiều so với số cử tri đăng ký tham gia cuộc bỏ phiếu bầu Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - tức Quốc hội lâm thời Libya - trong năm 2012 là 3,4 triệu người, trong đó 2,7 triệu người đã đi bỏ phiếu.

Lực lượng an ninh đã được triển khai tại 1.500 điểm bỏ phiếu trong cả nước để đảm bảo sự kiện này diễn ra an toàn.

Trong khi đó, ba năm sau ngày nổ ra làn sóng biểu tình lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi (17/2/2011), tình hình Libya vẫn bất ổn. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Ali Zeidan nêu rõ công cuộc ổn định và xây dựng lại đất nước vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.

Thực tế, quân đội Libya đang phải nỗ lực xây dựng lực lượng và khả năng chiến đấu trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này vẫn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng vô luật pháp và các hành vi tấn công gây rối của hàng chục nhóm vũ trang được trang bị vũ khí tối tân.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ người dân, cáo buộc chính quyền tham nhũng và không thể tạo cho người dân một cuộc sống tốt đẹp.

Hàng nghìn người Libya đã xuống đường trong hai tuần qua để chỉ trích GNC không chấm dứt được tình trạng bất ổn.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Libya giảm 5%-6% trong năm 2013.

Chính phủ chuyển tiếp của nước này đã thông qua một ngân sách trị giá 57 tỷ USD (tăng 14% so với năm trước). Đáng chú ý là trong năm 2013, chi tiêu của chính phủ chiếm tới 70% GDP - mức cao chưa từng có trong lịch sử Libya và cao nhất trong số các nước khai thác dầu mỏ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA)./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast