Mối lo của nhiều nước khi đồng USD tăng giá mạnh

Việc đồng USD tăng giá mạnh do nền kinh tế Mỹ vững, lạm phát dai dẳng và căng thẳng địa chính trị đã khiến các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản tới Trung Quốc và Thụy Điển lo ngại.

Đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN
Đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng USD ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 so với các đồng tiền mạnh khác và trên đà tăng tháng thứ tư liên tiếp.

Đợt tăng giá này của đồng bạc xanh diễn ra sau khi số liệu lạm phát tháng 3/2024 được công bố khiến các dự báo về các lần hạ lãi suất tại Mỹ bị đẩy lùi thậm chí xa hơn. Điều này cho thấy mối liên quan giữa các thị trường tiền tệ và những điều chỉnh về lãi suất.

Đồng USD giao dịch sát mức 155 yen/USD, mức mạnh nhất kể từ năm 1990 và Nhật Bản cảnh báo có thể mua vào đồng yen để đẩy giá đồng tiền này lên.

Kể cả sau khi Nhật Bản kết thúc 8 năm áp dụng lãi suất âm trong tháng trước, chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn lớn và điều này có thể tiếp tục, khiến đồng yen vẫn yếu. Đồng tiền này đã mất giá 9% trong năm nay.

Trong khi đó, đồng USD tăng giá khoảng 7% so với đồng won của Hàn Quốc chỉ trong tháng trước và ở mức cao nhất trong một năm.

Trong tuần trước, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tham vấn chặt chẽ về các thị trường tiền tệ khi đưa ra một cảnh báo hiếm hoi.

Đồng USD mạnh đang gây ra những tác động không mong muốn trên khắp châu Á.

Đồng rupee của Ấn Độ đang ở mức thấp chưa từng có. Đồng rupiah của Indonesia thấp kỷ lục bốn năm và ngân hàng trung ương nước này đang đề cập tới khả năng can thiệp.

Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi diễn biến của đồng nhân dân tệ, cả ở trong và ngoài nước, khi đồng tiền này ít xuống giá hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Đồng nhân dân tệ yếu sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc nhưng có thể khiến dòng vốn chảy ra bên ngoài.

Tại Khu vực sử dụng đồng euro, đồng chung châu Âu này giao dịch vượt mức 1,06 USD/euro, không nằm trong số những đồng tiền mạnh mất giá nhiều nhất so với đồng USD.

Trước khi số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ được công bố, các thị trường nhận thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang song hành trong lộ trình cắt giảm lãi suất.

Hiện ECB được cho là sẽ hạ lãi suất vào tháng Sáu tới và một động thái tương tự của Fed có thể sẽ là vào tháng Chín. Điều này khiến đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng. Lạm phát do đồng tiền mất giá làm tăng giá hàng nhập khẩu là vấn đề đối với các nền kinh tế nhỏ.

Tại Thụy Điển, lạm phát đang giảm, điều đưa đến khả năng lãi suất sẽ hạ xuống vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này, Per Jansson, cho rằng đồng tiền tiếp tục xuống giá có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát.

Đồng crown của Thụy Điển mất khoảng 8% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm nay. Goldman Sachs dự báo đồng tiền nước này có thể giảm xuống 11,14 crown/USD trong vòng 6 tháng, so với mức 10,89 crown/USD hiện nay.

Tuy nhiên, việc đồng USD mạnh lên không phải là vấn đề với tất cả các nước.

Đồng franc Thụy Sỹ đã giảm 7,5% so với đồng USD kể từ đầu năm nay, một phần do nước này hạ lãi suất vào tháng 3/2024.

Không như hầu hết các nước khác, SNB lo ngại đồng tiền mạnh sẽ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu.

UBS dự báo đồng USD sẽ tăng lên 0,952 franc/USD vào cuối năm, so với mức 0,91 franc/USD hiện nay.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.