Thay đổi hành vi xấu!

(Baohatinh.vn) - Sống trong xã hội hiện đại, trong môi trường của nông thôn mới, đô thị văn minh, phần lớn người dân ở TP Hà Tĩnh và nhiều vùng quê khác đều có nhận thức về môi trường sống. Từ trẻ em đến người lớn đều biết: bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của tất cả mọi người!

Thay đổi hành vi xấu!

Sau những cuộc dã ngoại, rác được vứt bừa bãi, chất đống quanh hồ Kẻ Gỗ (tháng 2/2023).

Hiểu là như vậy, nhận thức được như thế nhưng trong thực tế hằng ngày, hành vi ứng xử với môi trường lại là chuyện khác. Không hiếm cảnh hàng đống rác do người dân vứt dưới những tấm biển “cấm đổ rác!”. Không hiếm cảnh học sinh đi học về, ăn quà vặt rồi vứt bao bì, cốc nhựa… lên vệ cỏ các khu dân cư được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Không hiếm cảnh sau những sự kiện văn hóa, thể thao, sinh hoạt tập thể, tại các công viên, quảng trường, sân vận động, rác thải, chai nhựa bị vứt bừa bãi.

Khi ai đó cúi xuống lặng lẽ nhặt, thu gom, nhiều người khác lại thờ ơ, thậm chí có người lên tiếng: có công nhân vệ sinh làm, việc gì của mình! Lại còn có những hành vi rất xấu của một số người đợi lúc trời tối hoặc tảng sáng mang những bì, bao rác vứt dọc các tuyến đường thuộc địa phận không phải thôn mình. Cùng đó là những bao nilon, chai nhựa vứt bên các vệ cỏ làm mất mỹ quan của những tuyến đường vừa được đầu tư hiện đại của TP Hà Tĩnh.

Thay đổi hành vi xấu!

Tình trạng thả rông trâu, bò vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh.

Một vấn nạn khác là thả rông trâu bò trong các khu dân cư. Tình trạng này tái diễn năm này qua năm khác ở nhiều địa phương. Qua những lần bị chính quyền gọi lên nhắc nhở, xử phạt, tuyên truyền, họ chắc chắn nhận thức được nhưng vì sao vẫn tiếp tục tái phạm? Đó chính là sự chai lì, thái độ vô trách nhiệm, bất chấp. Và ẩn sau đó là lối sống ích kỷ cá nhân, chỉ muốn lợi cho mình, không quan tâm đến môi trường sống của nhiều người.

Khi thả rông trâu bò, họ không phải mất công chăn dắt, ở nhà “ngồi chơi xơi nước” hoặc làm thêm việc khác có lợi cho gia đình mình. Tiền phạt mỗi lần 300-400 nghìn đồng chắc chắn ít hơn tiền công lao động của cả tháng thả rông trâu bò.

Đã có một trường hợp bò của thôn bên cạnh bị người dân thôn Liên Thanh (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) bắt nhốt mấy ngày phải cho ăn, sau đó báo cho gia chủ đến nhận, chủ bò đã giao cho trẻ con đến, lấy cớ bố mẹ đi vắng, vậy là “hòa cả làng”.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, cho nên dù có mở các đợt cao điểm ra quân “trấn áp trâu bò” cũng không mang lại hiệu quả bền lâu. Các tuyến đường tự quản do các đoàn thể đảm nhận cũng không thể phát huy được tác dụng khi một số hội viên, đoàn viên nhận thức được vấn đề nhưng không thay đổi hành vi trong từng ngày, từng giờ.

Thay đổi hành vi xấu!

Phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, ra quân dọn vệ sinh môi trường của đoàn viên thanh niên các phường, xã ở TP Hà Tĩnh đang tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Khi viết bài này, tôi chợt nhớ đến hình ảnh một người dân Nhật Bản khi dắt chó ra công viên chơi. Để sẵn giấy lau trong túi, lúc chú chó cưng vệ sinh, người này không ngần ngại lấy giấy ra dùng và đem bỏ vào thùng rác công cộng. Còn chuyện nhặt rác bỏ vào túi mang về nhà phân loại là chuyện thường ngày ở đất nước mặt trời mọc.

Vậy nên, để bảo vệ môi trường sống, chỉ tuyên truyền giáo dục không thôi chưa đủ. Cùng với hệ thống luật pháp, quy ước, hương ước làng, các cấp chính quyền cần tăng cường mức xử phạt những hành vi phá hoại môi trường để tạo sức răn đe, kiên quyết xử lý những hành vi không chấp hành.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast