Tăng mức hỗ trợ lãi suất cho vay từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Quyết định (QĐ) số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh “về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” vừa có hiệu lực (gọi là QĐ 23) thay thế các quyết định số: 26/2012/QĐ-UBND và 09/2013/QĐ-UBND (gọi tắt là QĐ 26 và 09), với những sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến đã trả lời PV Báo Hà Tĩnh về những điểm mới cơ bản trong QĐ này.

- Xin ông cho biết, so với QĐ 26 và QĐ 09 (2013), QĐ 23/2014/QĐ-UBND có điểm nào mới về đối tượng vay vốn?

Năm 2013, chính sách này đã có bước điều chỉnh mở rộng về đối tượng và đã được đánh giá là khá phù hợp với thực tiễn và cũng phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, nên về cơ bản, đối tượng HTLS theo QĐ 23 không có nhiều thay đổi so với QĐ số 09.

Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp giúp nhiều hộ NTTS ở Cẩm Xuyên đầu tư theo hướng bán thâm canh để tăng năng suất, tăng thu nhập
Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp giúp nhiều hộ NTTS ở Cẩm Xuyên đầu tư theo hướng bán thâm canh để tăng năng suất, tăng thu nhập

Nội dung bao quát là các đối tượng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp muốn được HTLS vẫn phải đáp ứng quy mô tối thiểu theo quy định tại QĐ 09. QĐ 23 chỉ điều chỉnh một nội dung nhỏ đối với chăn nuôi hộ gia đình: quy định mới là từ 20 con trở lên (QĐ 09 khống chế từ 20-30 con). Đối với lĩnh vực CN-TTCN có bổ sung, điều chỉnh một số đối tượng nhằm khuyến khích bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Một nội dung đáng lưu ý về đối tượng HTLS theo QĐ 23 là bổ sung thêm một “đối tượng mở”: đó là “các đối tượng khác cần khuyến khích phát triển theo các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp cụ thể do UBND tỉnh quyết định từng thời kỳ”. Với quy định này, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc phải bổ sung, sửa đổi QĐ của UBND tỉnh, nhưng vẫn đáp ứng kịp thời các yêu cầu HTLS cho các lĩnh vực, sản phẩm mới cần khuyến khích phát sinh trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Về thời hạn có hiệu lực của chính sách và mức hỗ trợ, QĐ 23 đã có sự điều chỉnh như thế nào?

Chính sách này được áp dụng cho các khoản vay mới phát sinh từ nay đến 31/12/2017 thay cho quy định cũ là đến 31/12/2015 (kéo dài thêm 2 năm).

Mức HTLS theo QĐ 23 có sự thay đổi lớn theo hướng có lợi hơn cho các đối tượng thụ hưởng và giảm số lượng các mức hỗ trợ (từ 3 mức sửa thành 2 mức) để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có liên quan trong thực hiện. Theo QĐ 09, mức HTLS theo cách tính “hỗ trợ mức chênh lệch giữa lãi suất vay ngân hàng thương mại (NHTM) với lãi suất cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội”, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM giảm khá lớn, lãi suất cho vay hộ nghèo vẫn còn cao, nên mức độ khuyến khích của chính sách kém hấp dẫn dần. Để khắc phục hạn chế này, QĐ 23 quy định mức HTLS là 50% hoặc 70% mức lãi suất cho vay của các NHTM. Với mức hỗ trợ này, người thụ hưởng trong nhóm các đối tượng ưu tiên vay các NHTM với mức lãi suất chỉ khoảng trên, dưới 5%/năm.

- Trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách mới theo QĐ 23 có những nội dung nào bổ sung, sửa đổi, thưa ông?

Chủ trương của tỉnh khi thiết kế và ban hành các chính sách về HTLS trong xây dựng NTM hướng tới 3 mục tiêu quan trọng: tăng cường vai trò, trách nhiệm và tính tự chủ của cơ sở trong việc sử dụng nguồn vốn xây dựng NTM; tăng cường công tác “hậu kiểm” trong việc sử dụng vốn ngân sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn hỗ trợ; thực hiện đúng các quy định của Luật Ngân sách, nhưng đảm bảo thuận tiện, nhanh gọn và phù hợp với năng lực và trình độ quản lý của cán bộ cấp xã.

Nội dung bổ sung, sửa đổi trong QĐ 23 liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị trong kiểm tra việc sử dụng vốn vay HTLS trước lúc chi trả tiền lãi cho khách hàng, trong đó quan trọng nhất là trách nhiệm của BQL xây dựng NTM cấp xã (BQL xây dựng NTM xã).

Theo quy định cũ tại QĐ 26, khi nhận được danh sách khách hàng được HTLS do TCTD cho vay gửi đến, BQL xây dựng NTM xã làm ngay thủ tục để nhận tiền từ Kho bạc Nhà nước để chi trả cho khách hàng (BQL xây dựng NTM không cần tổ chức việc kiểm tra trước khi chi trả, việc này đã được giao cho TCTD cho vay thực hiện và chịu trách nhiệm. Các đơn vị khác chỉ kiểm tra khi có yêu cầu).

Còn tại quy định mới, trước khi nhận được danh sách do các TCTD cho vay gửi đến, BQL xây dựng NTM xã phải thực hiện việc kiểm tra điều kiện được hỗ trợ về quy mô vốn vay, số vốn vay sử dụng đầu tư vào đối tượng được hỗ trợ (thực chất là kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay HTLS) trước khi tiến hành chi trả tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng. Như vậy, các TCTD chỉ kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay theo quy chế tín dụng chung như các món vay khác, không quy định trách nhiệm của TCTD trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay HTLS. Sửa đổi này nhằm phù hợp với yêu cầu quản lý nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách. Đây là nhiệm vụ mới và rất quan trọng mà BQL xây dựng NTM cấp xã phải thực hiện.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ mới này, các sở, ngành (Sở Tài chính chủ trì) cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết và kịp thời về quy trình, hồ sơ, thủ tục... tổ chức việc kiểm tra để các BQL xây dựng NTM cấp xã thực hiện.

Do có nội dung sửa đổi nêu trên nên phần quy định trách nhiệm của các sở, ngành cũng được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

- Xin cảm ơn ông!

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast