Yên vị tượng chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế tại công viên ở thị trấn Nghèn

(Baohatinh.vn) - Chiều 14/1, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cùng dòng họ Ngô Trảo Nha tổ chức lễ yên vị và khánh thành tượng “chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế” tại công viên Tuy Phước (thị trấn Nghèn).

Yên vị tượng chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế tại công viên ở thị trấn Nghèn

Tượng “chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế” cao cao 2,1m, nặng 300kg, được làm bằng đá xanh Thanh Hóa.

Tượng “chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế” do nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Ngọc (quê Hà Tĩnh) - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tái hiện và trao tặng cho quê hương Can Lộc. Người thiết kế bục tượng là KTS Ngô Đức Đạt - chắt đích tôn cụ Ngô Đức Kế.

Việc tổ chức đặt tượng chí sĩ Ngô Đức Kế tại công viên Tuy Phước (thị trấn Nghèn, Can Lộc) có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục các thế hệ hôm nay phát huy truyền thống của cha ông; ra sức thi đua học tập, công tác, đóng góp sức lực và trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Yên vị tượng chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế tại công viên ở thị trấn Nghèn

Tượng chí sĩ Ngô Đức Kế do nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Ngọc tái hiện.

Cụ Ngô Đức Kế (1878 - 1929) hiệu Tập Xuyên, có ông nội là Ngô Phùng, từng giữ chức Toản tu Sử quán, hàm Quang Lộc tự Thiếu Khanh; cha là Tả tham tri Bộ Lễ Ngô Huệ Liên, về sau cũng giữ chức Toản tu Quốc sử quán. Gia đình ông thuộc chi 9 họ Ngô Trảo Nha, quê làng Trảo Nha (nay là Nam Sơn, thị trấn Nghèn).

Khoa Tân Sửu Thành Thái thứ 13 (1901), Ngô Đức Kế đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, thứ hạng xếp thứ hai sau Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân người Bắc Giang. Khoa ấy tất cả có 22 người đỗ, trong đó có Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Nguyễn Sinh Sắc, 41 tuổi) và Phan Chu Trinh (30 tuổi) đỗ Phó bảng là hai bạn đồng khoa sau này có quan hệ mật thiết với Ngô Đức Kế.

Sau lễ vinh quy khá trọng thể trong tháng 5/1901, Ngô Đức Kế không vào Huế nhận thẻ “Hậu bổ” như lệ định. Ở lại quê nhà, ông mở một hiệu thuốc Đông y ở phố Nghèn và một Thư viện. Hiệu thuốc thì mời ông Võ Tịnh ngồi bốc thuốc, cho em là ông Ngô Đức Thiệu giúp các công việc.

Thư viện đặt tại ngôi nhà hai tầng mới xây sau khi Ngô Đức Kế đỗ thi Hương (1897). Nhà rất nhiều sách, trước hết là các sách cụ Huệ Liên ở Huế chuyển về. Ông đã từng đọc các sách bí mật, nhất là các sách chép chuyền tay các bản Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, bài Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch – có thể coi là tiếng nói của những trí thức nước ta thức tỉnh đầu tiên trong đêm trường tối đen của đất nước.

Ông cũng được tiếp xúc các Tân thư Trung Quốc như Vạn ngôn thư của Khang Hữu Vi và Lương Khi Siêu (1888); các cuốn như Trung Quốc hồn, Trung ngoại kỷ văn, các loại báo chí như Thanh nghị báo, Tân Dân tùng báo, Thời vụ báo của Lương Khải Siêu v.v… Ngoài ra còn có các sách nói về cải cách duy tân của Nhật bản, như các cuốn Nhật Bản duy tân tam thập niên sử của Takayma Rinio, Đông Trung chiến kỷ của Young Allen (người Mỹ) giới thiệu thành tựu của công cuộc Duy tân thời vua Minh Trị, đưa Nhật Bản lên địa vị một quốc gia phú cường...

Ông đã cùng với Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân lập Triêu Dương thương điếm ở Vinh theo sáng kiến của Phan Bội Châu, buôn bán hàng nội, trợ cấp kinh phí, liên kết các đồng chí cho phong trào Đông du. Ngô Đức Kế là trợ thủ tin cậy của lãnh tụ Phan Bôi Châu, có vai trò chủ chốt trong công cuộc tuyên truyền vận động Duy Tân cứu nước đầu thế kỷ XX.

Năm Mậu Thân 1908, ông bị bắt đày ra Côn Đảo với nhiều đồng chí, đến năm 1921 mới được trả tự do.

Được tha về, hàn huyên với người thân chưa được một năm, cụ đã ra Hà Nội làm báo Hữu Thanh để tiếp tục hoạt động “khai dân trí, chấn dân khí” bằng những bài thơ văn nồng nàn lòng yêu nước và sắc bén, giàu tính chiến đấu như các bài nghị luận Nền quốc văn (1924) và Luận về chính học cùng tà thuyết (1924), đăng công khai trên báo, hoặc bài thơ Hỏi Gia Long, lưu hành bí mật, đả kích tên vua bù nhìn Khải Định chỉ biết đục khoét dân chúng cần lao.

Báo Hữu Thanh bị đóng cửa, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã, xuất bản sách báo tiến bộ nhằm mở mang dân trí. Có lẽ Ngô Đức Kế cũng là người đầu tiên sưu tầm và công bố thơ văn của hai chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

Từ năm 1927, ngay sau khi Phan Chu Trinh mất, cụ cho xuất bản sách Phan Tây Hồ di thảo. Cả điều này, và việc Ngô Đức Kế thay mặt các chiến hữu đọc lời điếu Phan Chu Trinh nữa, cũng cho thấy vai trò trọng yếu của cụ trong phong trào cách mạng bấy giờ.

Năm Kỷ Tỵ 1929, ngày 10-12 dương lịch, ông bị bệnh và mất ở Bạch Mai, mộ táng ở làng Tương Mai, Hà Nội. Ngày nay, mộ ông đã được cải táng đưa về quê hương, đặt trên núi Nghèn, thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.

Hồng Xoan - ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast