Về Đức Thọ thưởng thức gạo ruộng rươi La Giang

(Baohatinh.vn) - Gạo Thế Cường, gạo ruộng rươi La Giang là những sản phẩm chất lượng cao, khẳng định truyền thống thâm canh độc đáo của người nông dân cũng như khát vọng mang hạt gạo vươn xa của chính quyền và Nhân dân huyện Đức Thọ.

Độc đáo gạo ruộng rươi La Giang

Về Đức Thọ thưởng thức gạo ruộng rươi La Giang

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi ở Đức Thọ

“Gắn bó với ruộng đồng, kế thừa truyền thống sản xuất thâm canh bao đời của cha ông, không cớ gì mình lại để lãng phí tài nguyên. Suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi thuê lại đất nông nghiệp bỏ hoang vùng ngoài đê, đầu tư mô hình sản xuất lúa hữu cơ quy mô lớn kết hợp khai thác đặc sản rươi, cáy. 6 năm kiên trì, bền bỉ với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng, hình hài cánh đồng mẫu trên diện tích 18 ha đã dần hiện hữu.

Điều độc đáo là trong quá trình canh tác lúa, tôi có thể cùng lúc khai thác rươi và cáy. Tính sơ sơ, mỗi sào ruộng, chúng tôi thu khoảng 9 triệu đồng từ rươi/năm, tầm 2,5 triệu đồng từ cáy/năm và khoảng 3,2 triệu đồng tiền lúa/vụ”, ông Trần Văn Kỉnh - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Diên, chủ mô hình gạo ruộng rươi lớn nhất xã Yên Hồ bày tỏ.

Về Đức Thọ thưởng thức gạo ruộng rươi La Giang

Ông Trần Văn Kỉnh (xã Yên Hồ - Đức Thọ) mong muốn mang hạt gạo quê hương vươn xa

Cũng theo ông Kỉnh, để tạo môi trường sạch cho rươi, cáy sinh sôi, nông dân sử dụng 100% phân chuồng và phân hữu cơ. Người nông dân chấp nhận chi phí đầu tư lớn nhưng thành quả thu về là hạt gạo sạch với đặc trưng mùi vị, màu sắc. Gia đình ông Kỉnh sản xuất quy mô lớn nhưng vẫn không đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường. Do vậy, ngoài Yên Hồ, ông đang lên kế hoạch liên kết với các xã Bùi La Nhân, Quang Vĩnh... để phát triển hướng canh tác triển vọng này.

Cũng khai thác thế mạnh từ ruộng rươi để sản xuất lúa, ông Võ Đình Thành (xã Yên Hồ) đã thành công trên diện tích 2,5 ha. Khi đã có sản phẩm sạch, ông tính đến chuyện đưa hạt gạo vươn xa. Ông mạnh dạn liên kết với Công ty CP CED (TP Hà Tĩnh) xây dựng chiến lược quảng bá dài hơi. Với ông Thành, gạo thơm ngon đã đành, còn cần phải có bao bì, mẫu mã bắt mắt mới có thể tăng sức cạnh tranh, nâng tầm giá trị gạo hữu cơ.

Về Đức Thọ thưởng thức gạo ruộng rươi La Giang

Công ty CP CED (TP Hà Tĩnh) phối hợp xây dựng chiến lược quảng bá dài hơi cho đặc sản gạo rươi Đức Thọ

Ông Bùi Anh Sơn - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết: “Mô hình gạo hữu cơ canh tác trên ruộng rươi, cáy manh nha từ 3 năm trước và đến nay đã được quy hoạch bài bản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây là mô hình độc đáo, không chỉ mang lại hạt gạo sạch với giá trị kinh tế cao mà còn khai thác được nguồn lợi lớn từ đặc sản rươi, cáy”.

Nâng tầm gạo chất lượng cao Đức Thọ

Năm 2013, HTX Sản xuất, kinh doanh giống, thương mại dịch vụ, chế biến nông sản Đức Lâm xây dựng thành công thương hiệu gạo Thế Cường, mở ra triển vọng sản xuất các giống lúa chất lượng cao ở Đức Thọ - nơi được ví là “vựa lúa” của Hà Tĩnh.

Về Đức Thọ thưởng thức gạo ruộng rươi La Giang

Năm 2019, gạo chất lượng cao Thế Cường đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Ông Nguyễn Bá Thanh - Giám đốc HTX chia sẻ: “Khát vọng “phủ sóng” thị trường, HTX đã đầu tư hạ tầng hiện đại như: máy xay xát, kho bảo quản, máy sấy để hạt gạo đạt chuẩn. Sau nhiều nỗ lực, năm 2019, gạo chất lượng cao Thế Cường đã được tỉnh Hà Tĩnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là “tấm thẻ bài” để HTX mở rộng quy mô thu mua, đưa sản phẩm tiếp tục vươn xa thị trường nội địa và một số nước như Lào, Trung Quốc...”.

Bà Trần Thị Thùy Nhung - Phó Chánh Văn phòng NTM huyện cho biết: “Đức Thọ có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn (hơn 10.000 ha/2 vụ lúa), cùng với nhiều giống lúa chất lượng cao đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho HTX và các doanh nghiệp thu mua. Việc xây dựng thành công gạo OCOP Thế Cường đã giúp nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của lúa gạo Đức Thọ trên thị trường. Giờ đây, lúa gạo chất lượng cao không còn phải chịu cảnh thương lái ép giá như trước”.

Về Đức Thọ thưởng thức gạo ruộng rươi La Giang

Huyện Đức Thọ đang nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP cho gạo ruộng rươi La Giang

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đối với gạo chất lượng cao Thế Cường và gạo ruộng rươi La Giang. Theo đó, các phòng, ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong quá trình thực hiện; hỗ trợ quảng bá và xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm bằng cách thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm; giám sát các chủ cơ sở SXKD thực hiện các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast