Quan hệ dòng họ - làng xã trong lịch sử Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Do điều kiện địa - lịch sử quy định nên quá trình hình thành làng xã và dòng họ ở Hà Tĩnh có những đặc điểm riêng. Hầu hết các làng xã không ổn định địa bàn cư trú và địa giới hành chính ngay từ ban đầu, nói cách khác là làng xã đang trong quá trình hoàn thiện địa vực cư trú.

Cộng đồng cư dân của các làng xã (trong đó có các họ tộc) cũng biến đổi nhiều, đa phần là sự kết hợp hài hòa giữa một nhóm cư dân bản địa đầu tiên với lưu dân từ nơi khác đến, tuy đến sau nhưng họ rất nhanh chóng trở thành trụ cột thực sự của vùng đất mới, hòa mình vào cộng đồng chung.

Quan hệ dòng họ - làng xã trong lịch sử Hà Tĩnh

Nhà thờ Nguyễn Nghiễm vừa mới được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Thiên Vỹ.

Một đặc điểm khá nổi bật là quá trình hình thành, phát triển của các cự tộc ở Hà Tĩnh cũng kéo theo sự phát triển, thịnh vượng của làng xã. Giai đoạn giữa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có thể coi là thời kỳ hưng phát rực rỡ nhất của các dòng họ lớn ở Hà Tĩnh như: họ Nguyễn ở Tiên Điền với ba cha con Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm - Nguyễn Khản - Nguyễn Du; họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu với cha con Thám hoa Nguyễn Huy Oánh - Nguyễn Huy Tự - Nguyễn Huy Hổ; họ Phan Huy ở Lộc Hà với ông cháu Tiến sĩ Phan Huy Cẩn - Phan Huy Ích - Phan Huy Ôn, Sử gia Phan Huy Chú; rồi họ Đặng, họ Hà ở Tùng Lộc - Can Lộc và Tiên Điền - Nghi Xuân; họ Võ Tá ở Hà Hoàng (Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh), họ Ngô ở Trảo Nha; họ Ngụy ở Hoa Viên (Xuân Viên - Nghi Xuân); họ Phan, họ Hoàng, họ Bùi ở Đức Thọ; họ Nguyễn Khắc ở Gôi Mỹ - Hương Sơn...

Với sự xuất hiện của nhiều tác giả và tác phẩm của hai họ Nguyễn ở hai phía núi Hồng, từ năm 1942, học giả Hoàng Xuân Hãn đã nêu vấn đề phải chăng đã hình thành một Hồng Sơn văn phái…

Sự hưng thịnh của các cự tộc đã tạo nên sự phát triển, nổi tiếng của các làng xã. Trường Lưu giữa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã trở thành tâm điểm của văn hóa Xứ Nghệ và cả nước; chính “Trường Lưu bát cảnh” cũng ra đời ở thời gian này.

Làng Tiên Điền từ một vùng bãi bồi khuất nẻo (nên được nhiều người chạy loạn tìm về ẩn náu như Nam dương hầu Nguyễn Nhiệm - thủy tổ họ Nguyễn Tiên Điền, con cháu của cha con Đặng Tất, Đặng Dung - thủy tổ của chi họ Đặng Nghi Xuân...) đã trở thành “nơi đô hội, phồn hoa vào hạng nhất, nhì Xứ Nghệ”… Bên cạnh đó, sự suy tàn của các cự tộc dính dáng đến chính thể, triều đại cũng khiến nhiều làng xã bị ảnh hưởng.

Quan hệ dòng họ - làng xã trong lịch sử Hà Tĩnh

Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Huy Tùng

Nhờ sự phát triển của một (hoặc một số) dòng họ lớn mà làng xã đó trở nên hưng thịnh và tiếp đó, sự hưng thịnh của làng xã lại tiếp tục góp phần tạo nên sự phát triển của các thế hệ tiếp theo trong dòng họ và kích thích sự nảy nở, phát triển nhân tài của các dòng họ khác cùng địa bàn. Ở Trường Lưu, sau họ Nguyễn Huy còn có họ Nguyễn Xuân, Trần Huy cũng có người đỗ đại khoa; ở Tiên Điền, cùng họ Nguyễn, còn có họ Hà, họ Trần, họ Đặng; ở Tùng Ảnh, cùng họ Phan còn có họ Hoàng, họ Bùi...

Đặc điểm nữa là các dòng họ lớn ở Hà Tĩnh thường có quan hệ mật thiết với nhau tạo nên sự giao lưu/giao thoa văn hóa giữa các làng xã, vùng miền. Quan hệ dễ thấy nhất giữa các cự tộc là quan hệ thông gia. Họ Nguyễn từ phương Bắc về định cư ở vùng Trường Lưu có thể cũng do quan hệ này chi phối.

Các thế hệ họ Nguyễn Huy có quan hệ thông gia với hầu hết các dòng họ lớn trên địa bàn như với họ Nguyễn ở Tiên Điền, họ Dương ở Bạt Trạc, họ Phan ở Vĩnh Gia (có Đình nguyên Thám hoa Phan Kính), họ Nguyễn ở Mật Thiết, Nguyệt Ao (có TS Nguyễn Hành, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp)... Tương truyền, chữ Huy của dòng họ Phan Huy cũng có mối quan hệ mật thiết với họ Nguyễn Huy (?).

Quan hệ dòng họ - làng xã trong lịch sử Hà Tĩnh

Nét cổ kính của nhà thờ Nguyễn Huy Tự. Ảnh: Huy Tùng

Họ Nguyễn Tiên Điền cũng vậy, quan hệ thông gia với họ Đặng (Nguyễn Nghiễm là con rể của Đặng Sĩ Vinh) và nhiều cự tộc khác. Họ Lê Sỹ ở Thuần Thiện, Can Lộc (có hai anh em tiến sĩ Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng) quan hệ thông gia với họ Hà ở Tĩnh Thạch; họ Ngô ở Trảo Nha với họ Ngụy ở Nghi Xuân...

Quan hệ này ở một khía cạnh khác, có thể có ý thức hoặc không chủ định của mỗi cự tộc nhưng cũng phản ánh một quan niệm về bảo tồn, phát triển nguồn gen di truyền huyết thống và theo lý thuyết về di truyền học cũng như trên thực tế đã góp phần tạo nên nhiều thế hệ người tài, danh nhân kế tiếp nhau trong các dòng họ.

Một quan hệ nữa giữa các gia tộc lớn ở Hà Tĩnh là việc kết nghĩa, đỡ đầu hoặc nhận làm con nuôi. Qua xem xét gia phả của nhiều cự tộc, có những trùng hợp rất thú vị liên quan đến một nhân vật khá đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai (1554-1628), người làng Ích Hậu, huyện Thiên Lộc (nay là Lộc Hà), bậc tể phụ triều đình thời Lê trung hưng, dân gian trong vùng quen gọi ông bằng danh xưng vừa rất nôm na, vừa hết mực kính trọng: Cụ Hầu Thượng Ngật. Ông làm quan trải 3 triều vua (Thế Tôn, Kính Tôn, Thần Tôn), ngồi ở ghế tể phụ 29 năm, nắm giữ quyền 6 bộ 12 năm, có đến hơn 13 vợ với 33 người con (13 trai, 20 gái), có lẽ điều đó đã làm gia đình ông có quan hệ thông gia với nhiều gia tộc lớn trong vùng và cả nước.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều bản gia phả đã không giấu giếm việc từ quan hệ thông gia với gia đình ông hoặc được ông nhận làm con nuôi thì mới được cất nhắc, vinh hiển. Đó là trường hợp Dương Trí Trạch ở Yên Huy (con rể), Tào quận công Ngô Phúc Vạn ở Trảo Nha (con nuôi), họ Lê Sỹ ở Thuần Thiện (đỡ đầu)… Hầu hết những người được “nương bóng” Tể tướng đều thực tài, có chí khí, lại cùng quê; phải chăng đó cũng là sự giao hòa giữa tình cảm thân tộc, đồng hương và một “con mắt xanh” biết đánh giá, trọng dụng hiền tài?

Cử nhân Lưu Công Đạo, người đồng hương với ông sinh sau gần ba trăm năm đã giải thích về điều này: “Một đời hiển vinh tột bậc mà thiên hạ vẫn cho như vậy không có gì là quá đáng. Ông có những người con nuôi như Thái phó Tào quận công, Thượng thư Hải thọ hầu nhưng đương thời không cho đó là bè đảng.

Quan hệ dòng họ - làng xã trong lịch sử Hà Tĩnh

Cổng làng khoa bảng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ)

Ông giết Hùng lĩnh hầu, đứa con thứ ba của mình rồi mở tiệc ca hát đến ba ngày nhưng người đời không cho thế là kiêu mãn. Tuy là bậc hiển quý, nhưng trong các buổi chầu, khi tâu bày việc gì ông không hề quên giọng nói gốc gác của làng quê, triều đình cũng không cho vì thế là cử chỉ thô chướng, khó coi”…

Danh nhân các dòng họ lớn ở Xứ Nghệ nói chung thường sau khi đỗ đạt, làm quan đều về quê trí sĩ hoặc có quan hệ gắn bó với quê hương. Và chính điều này đã góp phần tạo nên một hệ thống di sản văn hóa khá phong phú của các dòng họ - làng xã ở Xứ Nghệ. Những người ra đi các nơi đã mang theo nhiều giá trị văn hóa của các vùng miền về cho quê hương, dòng tộc, đặc biệt là vốn văn hóa bác học ở các trung tâm lớn như: Thăng Long, Kinh Bắc, Huế...

Do điều kiện lịch sử - địa lý đặc thù, xa kinh đô, từng là phiên trấn, phên dậu nhiều thời kỳ, nên những người đến định cư tại vùng đất này vì rất nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau. Điều này cũng góp phần giải thích cho hiện tượng tuy trong một làng có cùng tên họ nhưng lại khác nhau về huyết thống (đồng tính không đồng tông); đồng thời cũng tạo nên một hiện tượng có nhiều dòng họ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thể mang tên họ này nhưng nguồn gốc lại thuộc một họ khác.

Trong những cuộc “thanh trừng” của nhà Trần đối với con cháu nhà Lý, rồi nhà Hồ đối với con cháu nhà Trần, nhà Lê - Trịnh đối với họ Mạc và những người theo nhà Mạc và sau này khi loạn lạc Đàng Ngoài - Đàng Trong, khởi nghĩa Tây Sơn, những cuộc truy sát nghĩa quân phong trào Cần Vương... đã có rất nhiều người chọn Hà Tĩnh làm nơi trú ẩn, mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ.

Vùng đất Hà Tĩnh cũng có khá nhiều hậu duệ của các dòng dõi quý tộc thời Lý (Hoàng tử Lý Nhật Quang), thời Trần (như Trần Nguyên Hãn, Hoàng hậu Bạch Ngọc - Trần Thị Ngọc Hào). Họ Nguyễn Đức lục chi ở Ích Hậu vốn gốc Trần, vị tổ là Hoàng giáp Trần Đức Mậu thời Lê, tương truyền là cháu trực hệ 5 đời của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (1241 - 1294), con thứ 3 của vua Trần Thái Tông.

Quan hệ dòng họ - làng xã trong lịch sử Hà Tĩnh

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Khắc ở xã An Hoà Thịnh - Hương Sơn. Ảnh Giang Nam.

Thông qua các bản gia phả, cũng thấy rõ, nhiều họ có nguồn gốc từ họ Mạc, nhiều nhất là ở họ Thái, họ Phạm, họ Phan. Cũng có những trường hợp đổi họ vì một hoàn cảnh nào đấy về sau lại được khôi phục, như họ Tống Trần ở Hương Sơn…

Dòng họ ở Hà Tĩnh không chỉ giàu về truyền thống khoa bảng, hiếu học, tạo nên những làng khoa bảng, văn hiến như Trường Lưu, Tiên Điền, Đông Thái... còn có những dòng họ mạnh về truyền thống võ công đưa lại cho làng xã những vị thế lớn như họ Phạm ở Kỳ Anh (với Phạm Tiêm, Phạm Hoành...), họ Võ Tá - Hà Hoàng, họ Ngô - Trảo Nha...; cũng có những họ gắn với làng nghề như họ Phạm - Nam Trị với nghề làm kim hoàn nổi tiếng, họ Bùi có nhiều người làm nghề rèn, họ Nguyễn Viết với làng mộc Thái Yên...

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.