Thăm làng “nuôi người đi học” ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dưới bầu trời cuối hạ trong xanh, tôi đứng trên triền đê La Giang, bên này là bến Tam Soa, bên kia là làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh), lòng không thôi tự hỏi: Ai là người đã kiến tạo nên miền đất học nổi danh nước Việt bao đời này?

Thăm làng “nuôi người đi học” ở Hà Tĩnh

Xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) nhìn từ trên cao

Lần này về Đông Thái, tôi không đi vào từ phía cổng làng mà men theo đường đê. Từ trên triền đê La Giang, ngôi làng cổ 600 năm, một trong 20 làng quê đứng đầu khoa bảng của Việt Nam hiện lên với sự tươi mới, thịnh vượng. Phía Bắc là dòng sông La thơ mộng, ở đó bến Tam Soa như ba dải lụa hợp lại thành một dòng biếc xanh xuôi về biển cả. Soi bóng xuống dòng trong ấy, chếch về phía Tây là những ngọn núi Thiên Nhẫn, Tùng Lĩnh mang bao huyền thoại về những người con anh dũng như Phan Đình Phùng, Trần Phú…

Làng quê Đông Thái nằm trọn trong lòng Tùng Ảnh như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Có lẽ nhờ đó mà khí hậu nơi đây ôn hòa, con người nơi đây có khí chất nho nhã, văn chương.

Thăm làng “nuôi người đi học” ở Hà Tĩnh

Cổng làng khoa bảng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ)

Theo các tư liệu, trong các triều đại phong kiến, làng Đông Thái có 24 người đỗ đại khoa tiến sĩ. Trong đó phải kể đến nhiều danh nhân nổi tiếng đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực cho đất nước như: Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng…

Dưới sự dẫn đường của cán bộ văn hóa xã Tùng Ảnh, chúng tôi đến thăm nhà giáo Phan Văn Hoàng ở làng Đông Thái. Mặc dù nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng cựu giáo chức 83 tuổi ấy vẫn được người già đến trẻ nhỏ trong làng nhắc đến với danh xưng vừa kính trọng, vừa yêu mến: thầy Hoàng. Thầy Phan Văn Hoàng (SN 1938), theo gia phả họ Phan, ông là chắt gọi nhà đại ái quốc - Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng là ông cố. Cố nội ông Hoàng là Phan Văn Phong (người anh của Phan Đình Phùng) từng là Tri phủ huyện Bình Giang (Hải Dương) và ông nội ông là Phan Đình Tuyển (Tuần vũ vùng Cao Bằng - Lạng Sơn).

Thăm làng “nuôi người đi học” ở Hà Tĩnh

Di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Đình Nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái

Nói về truyền thống hiếu học của dòng họ Phan và làng Đông Thái, ông Hoàng cho biết: “Tinh thần lập thân bằng con đường học tập khoa cử là một mạch nguồn được truyền nối qua nhiều đời, nhiều thế hệ trong dòng họ chúng tôi cũng như nhiều dòng họ khác ở làng Đông Thái. Từ nhỏ, ngay cả những giai đoạn đất nước khó khăn nhất, chúng tôi cũng đã được thế hệ đi trước tiếp truyền tinh thần ấy bằng những câu chuyện khoa bảng của các bậc tiền nhân và được định hướng theo đuổi sự nghiệp học hành”.

Điều đó cũng đã được chứng minh qua cuộc đời của ông Phan Văn Hoàng. Dù sinh ra trong thời đại đất nước rối ren bởi sự đô hộ của thực dân Pháp và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước vừa mới giành độc lập; gia đình gặp nhiều bất hạnh nhưng từ nhỏ ông đã được mẹ dành mọi tâm sức để theo đuổi con đường học hành. “Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh mẹ mang theo tôi đi ở hết nhà này đến nhà kia, vất vả ngày đêm ngồi dệt lụa bên khung cửi nhưng lúc nào cũng nhắc nhở tôi phải phấn đấu học hành” - ông Phan Văn Hoàng kể lại.

Thăm làng “nuôi người đi học” ở Hà Tĩnh

Hình ảnh người mẹ Đông Thái nghèo dệt lụa nuôi con ăn học luôn khắc sâu trong trái tim nhà giáo Phan Văn Hoàng (83 tuổi, ở làng Đông Thái, Tùng Ảnh).

Ông Hoàng là một trong những học sinh khóa học thứ 3 (1957-1959) của Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về công tác tại nhiều trường học ở Hà Tĩnh, như: Trường Cấp 2 Hương Sơn, Trường Trung cấp Nông nghiệp 2 Hà Tĩnh và nhiều năm trước khi về hưu là giáo viên dạy Văn - Trường Năng khiếu Đức Thọ nay là Trường THCS Hoàng Xuân Hãn. Tiếp nối truyền thống của dòng họ và gia đình, con cháu ông Hoàng tiếp tục con đường học hành và giành nhiều thành tích. Ông có 4 người con (3 trai, 1 gái), tất cả đều là kỹ sư, giáo viên, cán bộ hiện đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Hồng Chương - Bí thư Chi bộ thôn Đông Thái cho biết: “Gần như tất cả các gia đình ở thôn chúng tôi đều có con cái học hành thành đạt. Ở đây mọi người trong thôn đều nói vui rằng, nếu ai hỏi làm nghề gì thì trả lời: Chúng tôi làm nghề nuôi người đi học”.

“Học để làm người, để giúp mình và cống hiến cho xã hội”. Bà Phan Thị Xuyến, người mẹ từng nuôi 4 đứa con thành danh ở làng Đông Thái bày tỏ. Chồng bà Xuyến là ông Võ Viết Định, 73 tuổi, thương binh hạng 3/4.

Thăm làng “nuôi người đi học” ở Hà Tĩnh

“Học để làm người, để giúp mình và cống hiến cho xã hội”- Bà Phan Thị Xuyến (làng Đông Thái) chia sẻ.

Sau khi trở về từ chiến trường chống Mỹ, ông Định đau yếu thường xuyên, một mình bà Xuyến vừa chăm sóc chồng, vừa làm lụng nuôi con ăn học. Bà kể, từ năm 1995-2006, là khoảng thời gian vất vả nhất khi một mình gồng gánh nuôi 4 đứa con học đại học, cao đẳng. Thời điểm ấy, bà làm mọi việc từ nuôi lợn, đi làm thuê, có khi thiếu thốn phải thuê mượn đủ đường. Tất cả chỉ để các con học hành tới nơi tới chốn, mong con thành tài, có nghề có nghiệp. Giờ đây, tuổi già đã an nhàn nhưng lúc nào bà cũng nhắc nhở các con phải tạo mọi điều kiện cho con em học hành.

Sự nghiệp “nuôi người đi học” ở làng Đông Thái không chỉ ở mỗi gia đình mà còn ở 14 dòng họ trong thôn. Được biết, mỗi dòng họ ở đây đều có quỹ khuyến học từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Bởi vậy, suốt nhiều năm qua, Đông Thái luôn là thôn dẫn đầu trong 12 thôn của Tùng Ảnh về số lượng học sinh đỗ vào đại học và học sinh giỏi các cấp.

Không chỉ ở Đông Thái, hiếu học còn là truyền thống được tiếp nối từ nhiều đời nay ở khắp các làng quê Tùng Ảnh. Tính từ thời Cần Vương (cuối thế kỷ XIX) đến nay, toàn xã Tùng Ảnh đã cống hiến cho đất nước trên 1.000 giáo sư, tiến sỹ, trong đó nhiều người có đóng góp lớn cho xã hội.

Ông Phan Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tiếp nối truyền thống, Tùng Ảnh luôn lấy sự nghiệp giáo dục làm mục tiêu hàng đầu trong xây dựng và phát triển. Ngoài đầu tư xây dựng hệ thống trường học khang trang, đầy đủ, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được xã đặc biệt quan tâm. Hiện, cùng với 40 dòng họ có quỹ khuyến học riêng, xã cũng huy động được nguồn khuyến học, khuyến tài duy trì ổn định ở mức 600 triệu đồng”.

Chia tay Đông Thái, tôi đứng trên triền đê sông La ngắm nhìn một lần nữa khung cảnh miền đất học. Bên làng quê nông thôn mới trù phú và yên bình ấy, bến Tam Soa vẫn như nghiêng nghiêng soi bóng những hàng thông Tùng Lĩnh, nhắc nhớ chuyện danh nhân. Và trên bãi bồi ven bờ La Giang thấp thoáng hình ảnh vùng đất Việt Yên Hạ xưa với những nương dâu xanh ngát. Ở đó, những người phụ nữ làng Đông Thái thanh tao mà dẻo dai ngày đêm nuôi tằm, dệt lụa nuôi chồng, nuôi con chờ kỳ thi hương, thi hội để cống hiến cho đất nước những trạng nguyên, tiến sỹ. Như một sự tiếp nối, những người phụ nữ xưa đã hóa thân vào những người mẹ Tùng Ảnh hôm nay, vẫn tần tảo sớm hôm với ruộng đồng để làm nghề “nuôi người đi học”.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống