Cuộc chiến “đả hổ, diệt ruồi” tham nhũng tại Trung Quốc chưa kết thúc

Dù đã “đả hổ, diệt ruồi” quyết liệt, tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc vẫn còn dài và cần phải tiến hành triệt để bằng luật pháp.

Hiện nay, Trung Quốc đang trong quá trình triển khai chiến dịch truy quét tham nhũng quy mô lớn nhất trong lịch sử, bắt giữ hơn 50 quan chức cấp cao và hàng chục ngàn cán bộ nhà nước có dính líu đến tham nhũng. Chiến dịch này đã thể hiện nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Chiến dịch chống tham nhũng được ông Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 11/2012. Nhưng phải đến tháng 6/2013, chiến dịch này mới được đẩy lên cao trào khi Trung Quốc tiến hành điều tra đối với những nhân vật cấp cao của chính quyền. Mục đích của chiến dịch là nhằm “củng cố mối liên kết giữa Đảng và nhân dân”, đáp ứng mong muốn của nhân dân là nhổ tận gốc rễ nạn tham nhũng.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh News.cn)

Tổng Bí thư Tập Cận Bình tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh News.cn)

Các quan chức Trung Quốc được yêu cầu thực hiện công tác tự phê bình và phân loại các hoạt động tiêu cực của mình theo “4 phong cách làm việc không đúng mực”, gồm: chủ nghĩa hình thức, quan liêu, chủ nghĩa hưởng thụ và lãng phí.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện kỷ luật, thúc đẩy việc phòng chống tham nhũng trong chính quyền trung ương.

Tân Hoa xã nhận định, tính đến Hội nghị toàn lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 được tổ chức ngày 20-23/10 vừa qua, giai đoạn đầu của chiến dịch chống tham nhũng đã kết thúc thành công với nhiều thành tích đạt được trong việc giảm chi tiêu lãng phí và loại bỏ tham nhũng.

Quyết liệt và hiệu quả

Theo một báo cáo được chính quyền Trung Quốc công bố vào tháng 7, trong nửa đầu năm 2014, các công tố viên đã mở hơn 6.000 cuộc điều tra đối với các quan chức là đảng viên, kết án tù đối với hơn 8.000 cán bộ vì tội nhận hối lộ và tham nhũng.

Tân Hoa xã cho biết, số lượng cuộc họp chính thức đã giảm 25% xuống còn 586.000 cuộc họp. Trong khi đó, 137.000 vật dụng văn phòng không cần thiết trong các cơ quan Nhà nước đã được chuyển giao chính quyền địa phương.

Theo số liệu thống kê của Tân Hoa xã, Trung Quốc có thể cắt giảm tới 1 tỷ USD tiền chi tiêu công nếu như giảm bớt việc mua xe, các chuyến công tác nước ngoài và chi phí tiếp khách.

Ngoài ra, hàng loạt các thủ tục hành chính quan liêu đã được loại bỏ, đóng góp cho công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố, việc xóa bỏ các thủ tục phê duyệt không cần thiết sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc.

Về vấn nạn tham nhũng, Tân Hoa xã cho biết, từ khi chiến dịch được phát động, hơn 162.000 “nhân viên ma” đã bị loại bỏ khỏi biên chế của Chính phủ. Khoảng 200.000 quan chức đã bị xử lý do các vi phạm trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu như nhà đất, an toàn lao động và chăm sóc y tế, trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, khoảng 84.000 cán bộ đã bị xử phạt từ giáng chức cho đến khai trừ khỏi đảng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013.

Ngày 29/7/2014 đánh dấu một cột mốc đáng chú ý trong công cuộc chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình khởi xướng khi Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương quyết định chính thức điều tra ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (Ảnh: Getty)

Cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (Ảnh: Getty)

Ông Chu Vĩnh Khang là cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên bị điều tra xử lý và được xem là một "con hổ lớn" trong chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động kể từ sau Đại hội 18. Trước đó, Trung Quốc cũng đã quyết định điều tra xử lý đối với ông Từ Tài Hậu, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về quân đội Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 1/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố, chống tham nhũng là một trong những mối quan tâm lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông và Đảng Cộng sản đòi hỏi sự can đảm của một người đàn ông sẵn sàng chặt tay rắn cắn bị nhiễm độc để cứu lấy mạng sống của mình.

Ông Tập Cận Bình nói: "Mỗi đảng viên của Đảng Cộng sản nên ghi nhớ rằng tất cả những bàn tay bẩn sẽ bị tóm. Các quan chức cao cấp cần nghiêm túc chấp hành kỷ luật Đảng và ngừng ngay các hoạt động mang tính cơ hội”.

Tuy nhiên, Tân Hoa xã cho biết, vấn đề xử lý tham nhũng đối với các quan chức cấp thấp trong chính quyền địa phương (mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi đó là những con “ruồi”) được cho là thách thức lớn nhất trong chiến dịch truy quét tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bất chấp chiến dịch chống tham nhũng diễn ra vô cùng quyết liệt, hiện một số cán bộ không những không chấm dứt hành động sai trái của mình mà còn càng ngày càng vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hơn.

Tại Hội nghị Trung ương 4 vừa kết thúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn cảnh báo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc chiến chống tham nhũng hết sức phức tạp và khó lường.

Theo ông, Đảng vẫn không thể hoàn toàn nhổ tận gốc vấn nạn này và khó có thể ngăn chặn căn bệnh này tái phát.

Nhận thức được điều này, Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên đã tập trung thảo luận vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền, nhấn mạnh việc cải cách pháp luật và các quy định của Đảng, nâng cao kỷ luật trong Đảng nhằm ngăn chặn tận gốc “tham quan” và xóa bỏ triệt để nạn tham nhũng, lãng phí.

“Pháp trị”

Khái niệm “pháp trị” (quản lý đất nước theo pháp luật) không phải mới được Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra, nhưng việc lần đầu tiên được thảo luận sâu rộng trong một Hội nghị Trung ương Đảng đã có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay cũng như trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính quyền trung ương.

Tư tưởng “nhân trị” (đặt quyền lực con người cao hơn pháp luật) đã bám rễ suốt từ thời phong kiến, đến nay, vẫn còn tồn tại phổ biển tại Trung Quốc, đặc biệt là ở các chính quyền địa phương. Việc này đã tạo điều kiện cho nhiều quan chức lạm dụng quyền lực, vượt qua khuôn khổ của pháp luật.

Vì vậy, công tác “pháp trị” sẽ giúp loại bỏ tư tưởng trên, thể hiện quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả mọi người dân đều sống và làm việc theo pháp luật.

Hội nghị toàn thể thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18 vừa kết thúc ngày 23/10 đã vạch ra con đường phát triển từ nay về sau của đất nước Trung Quốc bằng một kế hoạch toàn diện hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy việc quản lý đất nước theo pháp luật và đẩy mạnh xây dựng các quy tắc kỷ luật trong đảng.

Kế hoạch chi tiết về cải cách pháp luật trong công tác chống tham nhũng đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4.

Tại cuộc họp ngày 25/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng đã tập trung thảo luận về các biện pháp triển khai kế hoạch trên.

Ông Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Hội nghị trung ương 4 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (Ảnh News.cn)

Ông Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Hội nghị trung ương 4 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (Ảnh News.cn)

Ông Vương Kỳ Sơn và nhiều quan chức khác trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đều thống nhất rằng, các cuộc điều tra về tham nhũng phải chấp hành “pháp trị”.

Ngoài ra, các điều tra viên của đảng cần phải bàn giao nhanh chóng các trường hợp vi phạm cho các cơ quan pháp luật xử lý kịp thời. Trong thời gian tới, phạm vi quyền hạn của các tòa án địa phương cũng sẽ được mở rộng, hạn chế tình trạng chính quyền địa phương can thiệp vào công tác điều tra, tuyên án.

Ông Vương cho biết, cần phải tìm được gốc rễ của nạn tham nhũng và thiết lập một hệ thống giám sát và chế tài xử phạt hiệu quả để ngăn chặn căn bệnh này.

Đặc biệt, ông Vương Kỳ Sơn cũng nhấn mạnh việc bổ sung, sửa đổi các quy định của Đảng một cách chính xác, rõ ràng và thực tế để phù hợp với pháp luật .

Các biện pháp mới được thông qua trong các chiến dịch chống tham nhũng sẽ được đưa vào quy định của Đảng và pháp luật.

Về vai trò của tăng cường công tác "pháp trị" đối với chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc, giáo sư Arne Westad của Đại học Kinh tế và Khoa học chính trị London cho rằng, bản kế hoạch mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng bên trong Đảng Cộng sản.

Đồng quan điểm với giáo sư Westad, ông Munene Macharia, giáo sư của Đại học Quốc tế Nairobi, Kenya cho biết, quyết tâm triển khai công tác “pháp trị” sẽ đẩy mạnh việc triển khai chiến dịch chống tham nhũng, đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý của chính quyền Trung Quốc.

Ông Etienne Reuter, giám đốc Công ty Tư vấn luật pháp Elliott tại Brussels, Bỉ thì nhận định rằng: “Công cuộc mở cửa và chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc sau chiến dịch “4 hiện đại hóa” của cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã bước vào một giai đoạn mới, đòi hỏi phải có một môi trường bền vững và một xã hội toàn diện. Nhân dân Trung Quốc mong muốn có chất lượng sống tốt hơn và một xã hội công bằng hơn.

Với bối cảnh hiện nay, “pháp trị” sẽ mang lại nền tảng cần thiết để chống lại sự xuống cấp trong cách quản lý cũng như trong cuộc chiến chống tham nhũng”.

Cuộc chiến không có hồi kết

Nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn được báo giới Trung Quốc đánh giá là đã vượt qua sự mong đợi sau khi chiến dịch được giới thiệu vào tháng 11/2012.

Tuy nhiên, trong cuộc họp sau khi Hội nghị Trung ương 4 kết thúc, ông Vương Kỳ Sơn cho biết chiến dịch sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa bởi nạn tham nhũng giống như là một thói quen cố hữu của các quan chức Trung Quốc.

Ông nói: "Điều này giống như việc bỏ hút thuốc hay uống rượu. Bạn có thể bỏ hút thuốc hoặc uống rượu một cách đơn giản không?".

Đến nay, sau khi đã trừ nhiều con “hổ lớn”, ông Tập Cận Bình tiếp tục cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch chống tham nhũng của mình.

Phát biểu trên một tờ báo đảng, ông nói: “Đảng và vận mệnh đất nước đang đặt trong tay chúng tôi và chúng tôi phải gánh vác trách nhiệm này”.

Tại Hội nghị Trung ương 4 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Vương Kỳ Sơn cam kết sẽ chống tham nhũng như “trị cây bệnh và nhổ cây thối”.

Ông Vương nhấn mạnh, cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng của mình, “giữ bình tĩnh và tỉnh táo, duy trì định lực chính trị, kiên định niềm tin và quyết tâm” trong chiến dịch quan trọng này.

"Bất kỳ quan chức tham nhũng ngựa quen đường cũ sẽ phải trả giá", ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương cho biết, chiến dịch chống tham nhũng và nỗ lực xây dựng một chính quyền trong sạch của Trung Quốc sẽ không có hồi kết.

Ông Vương nói: “Vấn dề kỷ luật của một đảng cầm quyền với hơn 86 triệu đảng viên có ảnh hưởng lớn đến sự ủng hộ của người dân và vận mệnh của đất nước”.

Ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh rằng, những gì đã đạt được trong chiến dịch tham nhũng đến nay mới chỉ là sự khởi đầu. Chiến dịch chống tham nhũng trong đảng còn phải đạt được tính thống nhất từ trên xuống dưới, tăng cường hoạt động giám sát, kỷ luật và tinh thần trách nhiệm.

Chính quyền Trung Quốc nhận thức rằng, một chính quyền trong sạch cùng một nền thị trường cạnh tranh lành mạnh sẽ mang đến môi trường đầu tư tốt hơn, đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước.

Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc bước đầu đã triển khai một cách quyết liệt và hiệu quả, thể hiện nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc làm trong sạch hóa bộ máy chính quyền, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc chiến lâu dài và phức tạp này, đặc biệt trong việc triển khai “pháp trị” trong công tác chống tham nhũng.

Dù vậy, nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc đến thời điểm này rất đáng ghi nhận, được thế giới đánh giá cao và là bài học để nhiều nước châu Á khác áp dụng trong chiến dịch chống tham nhũng lãng phí của riêng mình./.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast