Hạt nhân Iran vẫn là một ẩn số cho năm 2014

Nếu các bên không thể xóa được những nghi kỵ về nhau, vấn đề hạt nhân Iran khó có được kết quả cuối cùng.

Năm 2013 đánh dấu bước đột phá trong quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Iran và phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, thành công bước đầu chỉ góp phần tạo nên động lực thúc đẩy các bên nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề được coi là gai góc nhất trong quan hệ giữa Iran và phương Tây.

Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran (Ảnh: Press TV)

Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran (Ảnh: Press TV)

Nền tảng tạo nên đột phá

Có thể nói, yếu tố then chốt nhất “mở khóa” cho hồ sơ hạt nhân Iran đó là người dân đất nước nằm ven bờ vịnh Persian đã sáng suốt khi trao lá phiếu của mình cho nhà cải cách nổi tiếng với tư tưởng ôn hòa - ông Hassan Rowhani. Cử tri Iran đã nhìn thấy ở ông những quan điểm mềm dẻo, không cứng nhắc, ủng hộ việc mở cửa với thế giới có thể mang lại một diện mạo mới cho đất nước vốn đang suy sụp về kinh tế do cấm vận của phương Tây dưới thời cựu Tổng thống Ahmadinejad.

Trong suốt 8 năm cầm quyền, ông Ahmadinejad - nhà lãnh đạo theo đường lối bảo thủ không thể khai thông bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây, khiến kinh tế Iran với hoạt động xuất khẩu dầu khí là chủ đạo thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani từng phải lên tiếng xác nhận 20% thiệt hại kinh tế của Iran là do các đòn trừng phạt gây ra. Tình trạng lạm phát, thất nghiệp và đồng nội tệ mất giá là những thách thức của nền kinh tế Iran.

Được sự đồng thuận, tin tưởng của người dân Iran và đặc biệt của vị Lãnh đạo tinh thần Tối cao - Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei - người có tiếng nói quyết định trong tất cả các chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Iran, tân Tổng thống Rowhani đã quyết định chọn tân Ngoại trưởng Iran Javad Zarif làm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran trong bước khởi đầu cách tiếp cận mới tháo gỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân.

Ông Javad Zarif từng theo học ngành luật quốc tế tại Mỹ và cũng là nhân vật theo đường lối ôn hòa. Cùng với kinh nghiệm của một cựu đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, ông Zarif được coi là nhân vật số một có thể góp phần hiện thực hóa cách tiếp cận mới đối với chương trình hạt nhân Iran.

Thỏa thuận lịch sử

Thực tế cho thấy, người dân Iran đã không lầm khi đặt niềm tin vào tân Tổng thống Hassan Rowhani. Họ đã không phải chờ đợi quá lâu để được chứng kiến những cam kết mang lại hình ảnh mới cho đất nước Iran của ông Rowhani khi nhậm chức trở thành hiện thực.

Ngoại trưởng Iran Zarif và Cao ủy EU Ashton cùng bày tỏ vui mừng sau khi đàm phán hạt nhân giữa Iran và P5+1 đạt được thỏa thuận sơ bộ (Ảnh: javanenghelabi.ir)

Ngoại trưởng Iran Zarif và Cao ủy EU Ashton cùng bày tỏ vui mừng sau khi đàm phán hạt nhân giữa Iran và P5+1 đạt được thỏa thuận sơ bộ (Ảnh: javanenghelabi.ir)

Thỏa thuận sơ bộ về vấn đề hạt nhân được Iran cùng 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức ký kết vào ngày 24/11/2013, hơn 3 tháng sau khi ông Rowhani nhậm chức, được coi là bước tiến lịch sử trong vấn đề hạt nhân Iran.

Theo thỏa thuận này, Iran sẽ cung cấp thông tin về các lò phản ứng mới và các khu vực được sử dụng để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, cũng như làm rõ các báo cáo trước đây về các cơ sở làm giàu urani bổ sung mà Iran có kế hoạch xây dựng.

Dù mới chỉ là thành công bước đầu, nhưng thỏa thuận sơ bộ đã cho thấy chút ánh sáng le lói sau một thập kỷ Mỹ và phương Tây nỗ lực tìm cách ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran.

Mỹ và phương Tây luôn cho rằng Iran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự và liên tục yêu cầu quốc gia Trung Đông phải chấm dứt hoạt động làm giàu urani. Việc ký kết bản thỏa thuận được đánh giá là một “thành tựu về đối ngoại đáng kể” của Tổng thống Mỹ Obama khi bước đầu đã làm chậm tối thiểu nhịp độ phát triển chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên kết quả này chưa làm người Mỹ thực sự hài lòng, thỏa mãn bởi nó vẫn chưa giải quyết được những “mâu thuẫn cốt lõi” trong quan hệ giữa Iran với phương Tây, đặc biệt liên quan tới hoạt động làm giàu urani. Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani không lâu sau khi thỏa thuận sơ bộ được ký kết đã tuyên bố hoạt động làm giàu urani là quyền không thể chối cãi của nước này.

Trái lại, với Iran, thỏa thuận là dấu hiệu cải thiện tích cực quan hệ với các quốc gia phương Tây. Thỏa thuận sơ bộ với P5+1 đã minh chứng cho thành công bước đầu của chính quyền non trẻ Iran trên bước đường khôi phục lòng tin của thế giới đối với chương trình hạt nhân của mình; khẳng định bước đầu về hướng đi đúng đắn trong cách tiếp cận giải quyết bất đồng với phương Tây đối với vấn đề hạt nhân của chính quyền Iran.

Dẫn chứng cho những đánh giá trên, thỏa thuận sơ bộ đã giúp Iran cởi bỏ được cấm vận của Mỹ và phương Tây, nước này sẽ nhận về khoản tiền trị giá khoảng 7 tỷ USD giúp cải thiện kinh tế và đời sống của người dân nước này. Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân đạt được, tỷ giá đồng rial của Iran trên thị trường tự do đã nhích lên chút ít. Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2012, sau 18 tháng bị tăng cường cấm vận kinh tế, đồng rial đã mất đến 2/3 giá trị.

Dấu hiệu này càng làm tăng thêm niềm tin của người dân Iran vào những cam kết của ông Rowhani tuyên bố khi nhậm chức: nỗ lực mang lại một “cuộc sống tốt hơn” cho người dân Iran trong một thế giới mà họ không bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thách thức vẫn còn

Tuy nhiên, từ thành công bước đầu này, để đến được thỏa thuận cuối cùng giữa Iran và phương Tây vẫn còn một chặng đường dài đầy chông gai và thách thức. Để vượt qua nó đòi hỏi sự thận trọng, kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn. Các bên cần phải nỗ lực hết sức mình để loại bỏ những nghi kỵ về nhau.

Lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran (Ảnh: AP)

Lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran (Ảnh: AP)

Giới chuyên gia nhận định rằng cơ hội để có được thỏa thuận cuối cùng không thể phụ thuộc vào một bên mà phải là thành ý của cả hai bên. Iran có thể tiếp tục đối thoại và hành xử trên tinh thần minh bạch tối đa để thuyết phục “đối thủ” rằng “họ không muốn có bom hạt nhân và cũng không cần tới bom hạt nhân”. Song song với đó, nếu chính quyền Mỹ không thể phủ quyết những quan điểm cứng rắn trong Quốc hội, nó sẽ gây trở ngại vô cùng lớn cho tiến trình đàm phán để đi tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện, đồng thời khiến cho những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ-Iran càng thêm sâu sắc.

Nhà nghiên cứu Vali Nasr, Hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), trong một trả lời phỏng vấn báo Pháp cho rằng: “Để đến được đích, đòi hỏi lãnh đạo Iran và Mỹ phải thực sự có mong muốn đạt được thỏa thuận, sẵn sàng xử lý những ý kiến phản đối trong nội bộ và phản ứng của các đồng minh”.

Nếu những nỗ lực giữa các bên thành công, nó có thể biến một cuộc xung đột trở thành cơ hội mang lại hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho Trung Đông - khu vực chìm trong bạo lực và bất ổn suốt nhiều thập kỷ qua./.

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast