Lệnh công bố hồ sơ thuế có thể đẩy Trump vào rắc rối

Với việc Tòa án Tối cao cho phép công bố hồ sơ thuế của Trump, những tranh cãi như cáo buộc ông “trốn thuế” 10 năm có thể được sáng tỏ.

Lệnh công bố hồ sơ thuế có thể đẩy Trump vào rắc rối

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2020. Ảnh: AFP.

Tòa án Tối cao Mỹ hôm 22/2 bác bỏ đề xuất từ phía đại diện của cựu tổng thống Donald Trump , không chấp nhận hoãn phán quyết ngày 7/10/2020 của tòa án cấp dưới, trong đó cho rằng công tố viên quận Manhattan Cyrus Vance được quyền yêu cầu Trump nộp hồ sơ thuế.

Theo lệnh này, hãng kế toán Mazars USA phải cung cấp các tài liệu khai thuế của Trump cho một bồi thẩm đoàn theo yêu cầu của Vance, chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài, xoay quanh nỗ lực của các công tố viên nhằm tiếp cận thông tin thuế vốn được Trump giữ kín suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Năm 2014, Trump từng tuyên bố nếu ra tranh cử, ông “chắc chắn” sẽ công bố hồ sơ thuế của mình. Ông tái khẳng định cam kết này trong cuộc phỏng vấn một năm sau đó.

Nhưng đến tháng 2/2016, khi đứng trước cơ hội ngày càng lớn trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, Trump bắt đầu rút lại lời hứa của mình. “Chúng tôi sẽ ra quyết định trong vài tháng tới, mọi thứ rất phức tạp”, ông nói. Ngày hôm sau, ông “quay ngoắt 180 độ”, tuyên bố sẽ không công khai hồ sơ hoàn thuế, vì nó đang được kiểm toán.

Tháng 9/2020, tờ NYTimes cho biết họ đã thu thập được dữ liệu kê khai thuế của Trump và các doanh nghiệp của ông trong hơn hai thập kỷ. Những tài liệu đầy đủ hơn có thể đang chờ đợi công tố viên Vance nghiên cứu.

Hồ sơ mà NYTimes thu thập được cho thấy Trump đã báo cáo thua lỗ hàng trăm triệu USD, nhiều năm không nộp thuế thu nhập liên bang, phải đối mặt với một cuộc kiểm tra của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) về khoản hoàn thuế 72,9 triệu USD mà ông yêu cầu 10 năm trước.

Bên cạnh đó, hồ sơ còn cho thấy cựu tổng thống chỉ đóng 750 USD thuế thu nhập liên bang trong năm đầu tiên tại Nhà Trắng, còn trong 15 năm trước đó có 10 năm không đóng thuế.

Ngoài nỗ lực của công tố viên Vance, Trump còn đối mặt với một cuộc điều tra dân sự riêng biệt do Tổng chưởng lý New York Letitia James dẫn dắt, liên quan nghi vấn cựu tổng thống khai khống giá trị tài sản để vay ngân hàng hoặc nộp thuế bất động sản, xuất phát từ cáo buộc của Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Trump.

Cựu tổng thống từng cáo buộc các cuộc điều tra mang động cơ chính trị, khi James và Vance đều là đảng viên Dân chủ, đồng thời phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Ngoài các kê khai thuế của Trump, Mazars USA còn phải xuất trình những hồ sơ kinh doanh liên quan đến tài liệu kê khai đó, cũng như hoạt động của Tập đoàn Trump. Những dữ liệu này có thể giúp cung cấp bối cảnh và nền tảng quan trọng dẫn đến những quyết định mà Trump, hoặc các kế toán viên của ông, đã đưa ra khi chuẩn bị khai thuế.

Tuy nhiên, John Fort, cựu giám đốc bộ phận điều tra tội phạm của IRS, cho biết hồ sơ thuế là một công cụ hữu ích để phát hiện các manh mối, nhưng chúng chỉ có thể được “giải mã” hoàn toàn khi có thêm thông tin tài chính bổ sung được thu thập từ những nơi khác.

“Đây là tài liệu tài chính cá nhân vô cùng quan trọng, nhưng chỉ là một phần của vấn đề. Những phát hiện từ kê khai thuế sẽ cần được tiếp nối bằng các cuộc thẩm vấn và trát đòi”, Fort giải thích.

Tuy nhiên, phân tích của NYTimes về hồ sơ thuế của Trump vốn đã cho thấy nhiều tuyên bố của cựu tổng thống về khối tài sản và hoạt động kinh doanh của ông là sai sự thật, như việc tích cực làm từ thiện. Theo hồ sơ, 119,3 triệu USD, nằm trong khoản 130 triệu USD khấu trừ từ thiện kể từ năm 2005 mà Trump từng nêu, thực tế lại là khoản thu về từ những cam kết không phát triển bất động sản, đôi khi do dự án đã lên kế hoạch bị thất bại.

Theo bình luận viên Mike McIntire của NYTimes, việc công khai hồ sơ thuế giúp người dân nhận ra Trump đã cung cấp cái nhìn “méo mó” như thế nào về tình hình tài chính của mình trong giai đoạn tranh cử lẫn nắm quyền, khi đưa ra những con số ấn tượng về doanh thu từ các sân golf, khách sạn và doanh nghiệp khác dựa trên doanh thu thuần mỗi năm.

McIntire chỉ ra điểm mấu chốt là sau khi trừ đi khoản thua lỗ và chi phí, tình hình tài chính của Trump ảm đạm hơn nhiều so với báo cáo. Năm 2018, hồ sơ công khai của ông báo cáo doanh thu 434,9 triệu USD, nhưng đơn đề nghị hoàn thuế của ông lại kê khai tổng khoản lỗ lên tới 47,4 triệu USD.

Nhiều sân golf, một trụ cột trong đế chế kinh doanh của Trump, báo lỗ 315,6 triệu USD từ năm 2000 đến 2018, trong khi thu nhập từ việc cấp phép thương hiệu Trump cho các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã cạn kiệt từ khi ông vào Nhà Trắng. Bên cạnh đó, Trump còn có hàng trăm triệu USD là tiền đi vay, sẽ đến hạn thanh toán trong vài năm tới.

Phân tích của NYTimes còn cho thấy cựu tổng thống đang đối mặt với rủi ro từ cuộc kiểm toán của IRS, tập trung vào khoản hoàn thuế khổng lồ mà Trump yêu cầu hồi năm 2010, gồm toàn bộ thuế thu nhập liên bang ông đã đóng trong giai đoạn 2005-2008, cộng với tiền lãi.

Trump nhiều lần viện dẫn cuộc kiểm toán đang diễn ra của IRS là lý do ông không thể công bố kê khai thuế trong 4 năm nắm quyền, dù từng tuyên bố sẽ làm điều này. Tuy nhiên, không có quy định nào về quá trình kiểm toán ngăn ông công khai hồ sơ thuế.

Nếu IRS ra phán quyết chống lại Trump, ông có thể bị buộc phải trả lại hơn 100 triệu USD, đi kèm tiền lãi và nguy cơ bị phạt, thêm vào đó là khoảng 21,2 triệu USD tiền hoàn thuế dựa trên số liệu trong hồ sơ liên bang của ông.

Bình luận viên Chris Cillizza của CNN cho rằng Trump luôn hành động vì lợi ích của bản thân và luôn thể hiện tính “đổi chác” trong mọi giao dịch. Việc ông phá cam kết công bố hồ sơ thuế cũng như nỗ lực giữ kín chúng trong nhiệm kỳ phản ánh hai đặc điểm trên.

“Trump biết rằng thông tin về hồ sơ thuế sẽ khiến ông trông có vẻ tệ hại và có thể dập tắt động lực còn lại để ông thoát khỏi”vũng lầy“tài chính đang sa vào”, Cillizza nhận định. “Bởi vậy, ông đã gắng hết mình để giữ kín chúng”.

Theo Ánh Ngọc/VnExpress/NY Times

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast