Mỹ sẽ mất ít nhất 1 tuần nữa để quyết định tấn công Syria

Để thuyết phục cộng đồng quốc tế, Mỹ đã công bố những bằng chứng về vũ khí hóa học thu thập được tại Syria với một số nước.

Mỹ có tấn công Syria hay không? Câu trả lời sẽ có trong ít nhất 1 tuần nữa, thời điểm Quốc hội Mỹ trở lại họp sau kỳ nghỉ và thảo luận về cuộc tấn công Syria sau khi Tổng thống Barck Obama đưa vấn đề này trình lên Quốc hội phê chuẩn. Trong khi đó, Nga đã cảnh báo Mỹ tấn công Syria sẽ khiến đàm phán hòa bình Syria bị trì hoãn mãi mãi. Trung Quốc cũng đã có phản ứng cho thấy nước này sẽ không đứng ngoài cuộc, đồng thời hối thúc chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đàm phán với phe đối lập để tìm kiếm giải pháp chính trị.

Ngày 2/9, căn cứ không quân Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất yên tĩnh. Căn cứ này do Không quân Mỹ kiểm soát và là nơi tập kết các tên lửa Patriot của NATO từ đầu năm nay nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ phòng vệ trước mối đe dọa an ninh từ Syria. Có thể thấy, một cuộc tấn công Syria do Mỹ khởi xướng sẽ khó có thể diễn ra trong những ngày tới. Nhất là sau khi Tổng thống Barck Obama bất ngờ quyết định để vấn đề Syria cho Quốc hội phê chuẩn. Các nghị sĩ Mỹ hiện đang trong kỳ nghỉ và sẽ trở lại vào ngày 9/9.

Các thanh sát viên viên LHQ kiểm tra mẫu vũ khí hóa học tại Syria (Ảnh: AP)

Các thanh sát viên viên LHQ kiểm tra mẫu vũ khí hóa học tại Syria (Ảnh: AP)

Ông Obama đã tuyên bố kiên định với quyết định đã đưa ra, bất chấp khả năng Quốc hội Mỹ không thông qua cuộc tấn công Syria. Trong bối cảnh Anh đã tuyên bố “không tham chiến”, sự trì hoãn này của Tổng thống Mỹ sẽ giúp ông có thêm thời gian để có được ủng hộ từ quốc tế. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi Mỹ trì hoãn thì chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad cũng có thời gian để chuẩn bị đối đầu với bất cứ cuộc tấn công nào.

Để thuyết phục cộng đồng quốc tế, Mỹ đã công bố những bằng chứng thu thập được tại Syria với một số nước. Phát biểu ngày 2/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, nước này đã được Mỹ thông báo vắn tắt những bằng chứng về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria. Theo Mỹ, khí độc sarin đã được sử dụng trong cuộc tấn công ở ngoại ô thủ đô Damascus vào ngày 21/8, làm 1.400 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.

Người phát ngôn Hồng Lỗi không cho biết chi tiết về những bằng chứng do Mỹ cung cấp nhưng nhấn mạnh sẽ không có bên nào được vội vàng “phán quyết” trước khi có kết quả điều tra của thanh sát viên Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc lo ngại sâu sắc trước hành động chuẩn bị can thiệp quân sự đơn phương của nhiều nước vào Syria. Bất cứ hành động nào cũng phải tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ quốc tế, nhằm tránh làm phức tạp hơn nữa cuộc khủng hoảng Syria”

Nga cũng phản đối kịch liệt hành động can thiệp quân sự vào Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/9 cảnh báo, Mỹ tấn công Syria sẽ khiến đàm phán hòa bình Geneva bị đình trệ kéo dài, thậm chí là mãi mãi.

“Nếu Tổng thống Mỹ tuyên bố tấn công, đây sẽ là sự thất vọng lớn với chúng tôi. Tôi cho rằng cuộc đàm phán Geneva 2 về Syria sẽ khó lòng tiếp diễn. Cho đến nay, khi can thiệp quân sự chưa diễn ra, phe đối lập Syria đã không đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Nếu phe đối lập Syria khi thắng thế trong cuộc chiến với sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì tôi nghi ngờ việc họ sẽ hợp tác để đàm phán”- Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil Elaraby đã khẳng định tấn công quân sự “là không được phép” và thúc giục một giải pháp chính trị cho tình hình Syria.

Ông Nabil Elaraby nói: “Can thiệp quân sự là không thể được.Như Đặc phái viên về Syria Brahimi đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chính phủ Syria sẽ không thể tiêu diệt phe đối lập, cũng như phe đối lập sẽ không thể lập đổ được chính quyền, do đó cần phải có một giải pháp chính trị cho tình hình Syria”

Tuyên bố được Tổng Thư ký Nabil al-Arabi đưa ra một ngày sau khi Liên đoàn Arab nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) lên án chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân thường.

Dù một cuộc tấn công sớm nhằm vào Syria sẽ khó xảy ra, song tình hình quốc gia Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự chia rẽ sẽ khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dậm chân tại chỗ giống như suốt 3 năm qua trong đối phó với khủng hoảng Syria. Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới tuần này sẽ tới Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và vấn đề Syria chắc chắn sẽ chiếm một phần lớn trong chương trình nghị sự./.

Hoàng Lê (Theo Reuters)

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast