Tập đoàn dạy thêm lớn nhất Trung Quốc sa thải 60.000 nhân viên

Tập đoàn Tân Đông Phương sa thải hàng chục nghìn nhân viên sau khi mất 80% doanh thu vì chính phủ Trung Quốc siết quản lý dạy thêm.

Du Mẫn Hồng, người sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn giáo dục Tân Đông Phương ở Trung Quốc, hôm 9/1 cho biết, doanh nghiệp này đã mất 80% doanh thu và 90% giá trị thị trường trong năm 2021, buộc ban lãnh đạo cho nghỉ việc hơn 60.000 nhân viên.

Tập đoàn dạy thêm lớn nhất Trung Quốc sa thải 60.000 nhân viên

Du Mẫn Hồng, chủ tịch tập đoàn giáo dục Tân Đông Phương. Ảnh: 163.com.

“Chúng tôi đối mặt với quá nhiều thay đổi, phần lớn công việc kinh doanh đều trong trạng thái mơ hồ vì những chính sách mới, đại dịch Covid-19, quan hệ quốc tế và nhiều lý do khác”, ông nói, thêm rằng tập đoàn đã chấm dứt phần lớn hoạt động giảng dạy trực tiếp và trực tuyến.

Du cho biết tập đoàn vẫn duy trì khoảng 50.000 nhân viên và giáo viên, cho rằng sinh kế của họ “phụ thuộc vào khả năng phát triển lành mạnh và bền vững của Tân Đông Phương”.

Du Mẫn Hồng, 60 tuổi, là gương mặt đại diện cho ngành công nghiệp dạy thêm phát triển mạnh ở Trung Quốc suốt nhiều năm qua, nhằm phục vụ các bậc cha mẹ và con cái muốn vươn lên dẫn đầu trong hệ thống giáo dục đầy cạnh tranh của nước này.

Ông đã phát triển Tân Phương Đông từ cơ sở luyện thi tiếng Anh ở Bắc Kinh thành tập đoàn giáo dục niêm yết trên sàn chứng khoán New York, trở thành công ty tư nhân trong lĩnh vực giáo dục lớn nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, quyết định siết chặt tình trạng dạy thêm học thêm của chính phủ Trung Quốc hồi cuối tháng 7 năm ngoái đã giáng đòn mạnh vào Tân Phương Đông và nhiều doanh nghiệp dạy thêm. Theo quy định mới, các trường luyện thi từ lớp 1-9 bị cấm giảng dạy các môn học trong chương trình phổ thông. Hoạt động dạy thêm vào cuối tuần hay các ngày lễ tết, nghỉ hè, nghỉ đông cũng bị cấm.

Quy định mới buộc Tân Phương Đông đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến sinh viên đại học và người Trung Quốc ở nước ngoài, cũng như nghiên cứu nhiều hướng đi mới như bán sản phẩm nông nghiệp. Tập đoàn này năm ngoái cũng tuyên bố đóng cửa 1.500 trung tâm dạy thêm và quyên tặng 80.000 bộ bàn ghế cho các trường công lập vùng nông thôn Trung Quốc.

Chi phí giáo dục là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ Trung Quốc không muốn đẻ nhiều con, ngay cả khi nước này đã cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba để đối phó tình trạng già hóa dân số.

Theo Vũ Anh/VNE (AFP)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast