Tham vọng thành siêu cường điện hạt nhân của Trung Quốc

Suốt 7 thập kỷ qua, Trung Quốc đã không ngừng xây dựng các lò phản ứng với kỳ vọng vượt Mỹ trở thành nước sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới.

Trong sách xanh do Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA) công bố ngày 26/4, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về số lượng các tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng, với 24 lò phản ứng đang thi công, có tổng công suất lắp đặt 26,81 triệu kilowatt.

Tham vọng thành siêu cường điện hạt nhân của Trung Quốc

Nhà máy điện hạt nhân Haiyang ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Kể từ năm 2022, Trung Quốc đã phê duyệt 10 tổ máy điện hạt nhân mới, đưa ba cơ sở vào vận hành thương mại và bắt đầu xây 6 tổ máy mới. Đến nay, Trung Quốc đã có 54 tổ máy điện hạt nhân thương mại với tổng công suất lắp đặt 56,82 triệu kilowatt.

Trung Quốc đang là nhà sản xuất điện hạt nhân lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Pháp, tạo ra khoảng 10% điện hạt nhân toàn cầu. Điện hạt nhân đóng góp 4,9% tổng lượng điện sản xuất của Trung Quốc năm 2019.

Năng lượng hạt nhân được xem như giải pháp thay thế cho than đá, khi dư luận và giới chức Trung Quốc ngày càng lo ngại về chất lượng không khí, biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc kỳ vọng trở thành cường quốc đứng đầu thế giới về năng lượng hạt nhân vào năm 2030 và đạt mục tiêu sản xuất 200 gigawatt điện vào năm 2035, nhờ 150 lò phản ứng bổ sung.

Nước này có hai công ty điện hạt nhân lớn là Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc hoạt động ở khu vực đông bắc và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc, chủ yếu ở vùng đông nam.

Trung Quốc bắt đầu phát triển điện hạt nhân từ thập niên 1950-1958, khi hợp tác với Liên Xô xây dựng cơ sở nghiên cứu đầu tiên có tên Viện Năng lượng Nguyên tử thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, sau đó thành lập Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) năm 1955. Tháng 12/1958, phát triển điện hạt nhân trở thành dự án ưu tiên hàng đầu trong Dự thảo Kế hoạch 12 năm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Tháng 6/1959, Liên Xô rút toàn bộ kỹ thuật viên hạt nhân khỏi Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tự đầu tư và nghiên cứu để tiếp tục phát triển điện hạt nhân và đạt được một số thành tựu đáng kể trong phát triển hạt nhân giai đoạn 1961-1962.

Tháng 2/1970, Trung Quốc thành lập Viện 728, nay là Viện Thiết kế và Nghiên cứu Kỹ thuật Hạt nhân Thượng Hải (SNERDI), nhằm lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và xây dựng có tên Qinshan được xây dựng năm 1984 và kết nối thành công với lưới điện vào ngày 15/12/1991.

Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, Trung Quốc tiếp tục yêu cầu mở rộng ngành điện. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001-2005), Bắc Kinh xác định phần quan trọng của chính sách năng lượng là “đảm bảo an ninh năng lượng, tối ưu hóa đa dạng năng lượng, cải thiện hiệu suất, bảo vệ môi trường sinh thái”. Kế hoạch an toàn hạt nhân năm 2013 tuyên bố sau năm 2016, chỉ có các nhà máy điện hạt nhân thế hệ III mới được hoạt động.

Năm 2014, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 58 gigawatt điện hạt nhân vào năm 2020. Tuy nhiên, sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, rất ít nhà máy điện hạt nhân được Trung Quốc xây dựng từ năm 2015, nên không đạt mục tiêu không được đáp ứng.

Năm 2017, các lò phản ứng của nước này sản xuất tổng cộng 38 gigawatt điện, nhưng đặt mục tiêu tăng lên 120-150 gigawatt vào năm 2030. “Chúng tôi đã sở hữu một hệ thống hoàn chỉnh, có nền tảng vững chắc không chỉ về thiết kế mà còn về xây dựng và đảm bảo an toàn”, Zheng Mingguang, chủ tịch SNERDI, khi đó cho hay. “Đó là lý do năng lượng hạt nhân Trung Quốc rất khả thi về mặt kinh tế”.

Tới cuối tháng 12/2020, tổng số tổ máy điện hạt nhân hoạt động ở Trung Quốc đạt con số 49, với tổng công suất lắp đặt là 51 gigawatt, xếp thứ ba thế giới về công suất lắp đặt và đứng thứ hai về sản lượng điện.

Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia (NNSA), thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, là cơ quan cấp phép và quản lý, cũng như duy trì các thỏa thuận quốc tế về an toàn. Được thành lập năm 1984, cơ quan này báo cáo mọi vấn đề trực tiếp với Quốc vụ viện Trung Quốc.

Tham vọng thành siêu cường điện hạt nhân của Trung Quốc

Dự án trình diễn nhà máy điện hạt nhân Hualong-1 ở nhà máy điện hạt nhân Fuqing, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: CGTN

Lu Tiezhong, thành viên Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), trong cuộc phỏng vấn với Global Times nói rằng các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc có hồ sơ an toàn hàng đầu thế giới. Ông thêm rằng phát triển điện hạt nhân là lựa chọn tất yếu để đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững của Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân về cuộc sống tốt hơn và thực hiện mục tiêu “carbon kép” của đất nước.

Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt đỉnh về phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon trước năm 2060. Đây được gọi là mục tiêu “carbon kép”.

“Là nguồn năng lượng an toàn và hiệu quả, điện hạt nhân hoạt động ổn định và đáng tin cậy với chu kỳ tiếp nhiên liệu dài, phù hợp để chịu tải lưới điện và theo dõi phụ tải điện cần thiết. Nó có thể thay thế năng lượng hóa thạch làm nguồn điện phụ tải nền trên quy mô lớn”, ông Lu, trợ lý tổng giám đốc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc kiêm chủ tịch Công ty Điện hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, nói.

Genevieve Donnellon-May, nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford, nhận định đến năm 2030 và thậm chí sớm hơn, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới.

Theo Thanh Tâm/VNE (CGTN, Global Times, Diplomat)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast