Thế giới lo ngại khủng bố trở lại từ cuộc chiến tại Iraq

Không chỉ các quốc gia Trung Đông, mà nhiều nước khác đều lo sợ về bóng đen khủng bố lan rộng.

Tại một số nước, các nhóm phiến quân người Sunni đã lần đầu xuất hiện và hoạt động theo hình mẫu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông. Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Iraq có nguy cơ hỗn loạn như tình hình Syria và khả năng trở lại mạnh mẽ của khủng bố.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông đã đổi tên thành Vương quốc Hồi giáo sau khi tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo trên phần lãnh thổ chiếm được của Iraq và Syria. Lực lượng cựu đoan tiếp tục mở rộng rộng phạm vi tấn công tới thủ đô Baghdad, sau khi đánh chiếm nhiều khu vực ở miền Bắc và Trung Iraq, trong đó có 2 thành phố dầu mỏ, tài chính chiến lược Tikrit và Mosul.

Các tay súng lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông diễu hành trên đường phố Iraq (Ảnh AP)
Các tay súng lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông diễu hành trên đường phố Iraq (Ảnh AP)

Diễn biến bạo lực gia tăng tại Iraq khiến cả thế giới không khỏi lo ngại, nhất là nguy cơ chiến sự sẽ leo thang sang các quốc gia láng giềng.

Bộ trưởng Nội vụ Lebanon Nohad Machnouk đã cảnh báo về sự xuất hiện lần đầu tiên của các nhóm phiến quân Hồi giáo Sunni tại thủ đô Beirut. Ông Machnouk cho rằng, “sự thành công” của Vương quốc Hồi giáo đang trở thành động lực và hình mẫu cho các nhóm phiến quân tại Lebanon.

“Chúng tôi phải thừa nhận rằng những gì đang xảy ra tại Iraq đã kích thích các nhóm vũ trang tại Lebanon tin rằng chúng có thể làm được như vậy tại Lebanon. Trong 2 tháng qua, sự tăng cường an ninh tại Lebanon đã cản trở được âm mưu và hoạt động của các nhóm phiến quân”, ông Machnouk nói.

Không chỉ với Lebanon, các nước như Syria, Jordani và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đứng ngồi không yên trước ảnh hưởng từ diễn biến bạo lực tại Iraq.

Thậm chí, các nước Đông Nam Á giờ đây cũng đối mặt với nỗi lo khủng bố trở lại. Nhà chức trách Indonesia và Singapore đã lên tiếng bày tỏ lo ngại những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho khu vực Đông Nam Á.

Cả Indonesia và Singapore đều xác nhận có công dân tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria, và lo sợ rằng khi trở về, những người này sẽ làm sống lại các mạng lưới khủng bố nguy hiểm.

Đối phó với tình hình Iraq, Mỹ và các nước châu Âu lúc này đặt ưu tiên hàng đầu là “phòng thủ”. Việc Iraq phải viện đến trợ giúp từ bên ngoài đã được nhắc đến, song sau cuộc chiến hao người tốn của 10 năm, Mỹ và phương Tây không khỏi lo sợ bị sa lầy lần nữa tại chiến trường Iraq.

Bên cạnh đó, sự có mặt của binh sĩ nước ngoài có thể là cái cớ để các nhóm cực đoan kích động người dân và chiêu mộ thêm một lực lượng lớn chống chính quyền Iraq.

Cùng với lo ngại nhiều người châu Âu tham gia thánh chiến có thể trở về tấn công những mục tiêu ở Mỹ và châu Âu, các nước này đang triển khai các biện pháp tăng cường an ninh sân bay./.

Hoàng Lê - tổng hợp

Nguồn: VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast