BĐBP Cửa Sót và ngư dân bản địa tham gia cứu hộ tàu cá bị nạn vào sáng 3/4 ở xã Thịnh Lộc.
8h sáng ngày 3/4/2022, con thuyền 24 CV của ngư dân N.V.T. (SN 1973) ở thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc bị sóng lớn làm lật úp. Đã không có phép màu xảy ra khi sau một ngày đêm tìm kiếm, thi thể của anh T. đã được trục vớt về an táng theo phong tục địa phương.
Theo các nhân chứng có mặt tại hiện trường, vị trí anh N.V.T. bị nạn chỉ cách bờ khoảng 800 m nên sóng vỗ rất lớn, nước đục. Lúc này, ngoài anh T. thì còn có 2 thuyền cá khác của ngư dân trong thôn cùng ra khơi trở về, mỗi thuyền có 1 ngư dân. Khi nghe tiếng động mạnh và thấy thuyền lật úp, các ngư dân đi cùng đã nhanh chóng tiếp cận ứng cứu nhưng bất thành vì sóng quá to, triều cường đang lên, người bị nạn không mặc áo phao nên không tìm được.
Sau 1 ngày đêm tìm kiếm, thi thể của ngư dân xấu số N.V.T. đã được tìm thấy
Điều đáng nói là, cách đây 7 năm, cũng chính tại khu vực này, anh trai của anh T. cũng đã bị tử nạn khi đi đánh cá lúc biển động.
Hầu như năm nào ở biển Thịnh Lộc cũng có 2 - 3 vụ tai nạn vì sóng lớn đánh lật thuyền làm hư hại tài sản, tàu thuyền, ngư cụ, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân, nhất là trong mùa mưa bão, gió chướng.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) tham gia cứu hộ tàu cá của ngư dân Thịnh Lộc bị sóng đánh úp. (Ảnh tư liệu).
Dù tai nạn đã qua gần 4 tháng, nhưng đến nay, hai ngư dân Võ Hồng Thưởng (SN 1964) và Võ Hồng Thống (SN 1966), cùng ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) vẫn còn nhớ như in ngày 2 ông từ cõi chết trở. Ngày đó, cũng vì miếng cơm manh áo mà họ đã đánh liều đưa con thuyền chỉ có công suất 24 CV ra cách bờ gần 3 hải lý đánh cá giữa lúc biển gió mạnh cấp 6, cấp 7, sóng rất lớn. Khi thuyền bị lật, 2 ông phải dùng hết sức bình sinh để bơi vào bờ.
Ông Võ Hồng Thưởng chia sẻ: “Hết sức may mắn chúng tôi mới có thể từ cõi chết trở về. Từ nay trở đi, dù khó khăn đến mấy, tôm cá có nhiều đến đâu thì tôi cũng sẽ không ra biển lúc sóng còn to, gió còn lớn, mưa lốc chưa hết. Khi đi biển, tôi cũng sẽ chú ý hơn đến vấn đề an toàn, đặc biệt là phải mặc áo phao”.
Vào tháng 11 năm ngoái, 2 ngư dân Võ Hồng Thưởng và Võ Hồng Thống (đi phía sau) may mắn thoát chết khi sóng lớn làm lật tuyền, 2 người phải bơi gần 3 hải lý vào bờ.
Dù đã có nhiều bài học cảnh tỉnh nhưng lâu nay, ở cửa lạch Thịnh Lộc, hàng chục con thuyền công suất nhỏ của ngư dân nơi đây vẫn liên tục vào ra khi biển chưa “hiền hòa”. Mỗi chuyến biển, những ngư dân trên các con thuyền nan, nôốc nhỏ phải lênh đênh trên mặt biển 4 - 5 tiếng đồng hồ và liên tục bị uy hiếp bởi sóng lớn, gió rít, dông lốc bất thường.
Ông Lê Doãn Đức – một ngư dân giàu kinh nghiệm ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) cho hay: “Đánh cá vào những ngày biển động như thế này thì nguy hiểm luôn rình rập, cần phải luôn cảnh giác, bình tĩnh và có kinh nghiệm vượt sóng. Chỉ cần một chút sai sót, bất cẩn là thuyền có thể bị sóng đánh lật ngay”.
Dù đánh cá lúc biển động rất nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên nhiều ngư dân (trong đó có ông Lê Doãn Đức - người mặc áo pháo) vẫn bất chấp rủi ro.
Cũng theo ông Đức, những ngư dân như ông thường rất hay tự tin vào kinh nghiệm điều khiển tàu thuyền, kỹ năng bơi lội của bản thân nên ít khi chú ý đến việc mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Ngược lại, ngư dân thích mặc áo mưa để quần áo trong người không bị nước biển té ướt, cơ thể được ấm hơn khi làm việc trong gió rét. Đây được xem là thói quen nguy hiểm vì khi gặp sự cố thì nguy cơ sống sót là rất thấp vì bị áo mưa quấn vào người nên khó bơi lội, xoay xở…
Anh Võ Hồng Thịnh (SN 1973) lý giải nguyên nhân vì sao ngư dân nơi đây bất chấp an toàn, ra biển đánh bắt lúc sóng to, gió lớn: “Chúng tôi ý thức được việc ra biển trong khoảng thời gian như thế này là nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào nhưng tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh. Bởi vào lúc biển bắt đầu động, hoặc sắp lặng, tôm cá vào vùng lộng rất nhiều nên sản lượng khai thác gấp 2 – 3 lần, thậm chí gấp 4 – 5 lần. Do đó, dù sóng to, gió lớn, nguy hiểm rình rập nhưng vẫn nhiều người bất chấp đi biển”.
Ông Nguyễn Khắc Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Đội tàu sản xuất của xã có hơn 100 chiếc nhưng chủ yếu là công suất nhỏ, chỉ khoảng 24 CV trở xuống và đánh bắt ở vùng lộng. Thuyền nhỏ, ngư cụ đơn sơ, ít lao động (chỉ 1 – 2 người/thuyền), lại đánh bắt ở vùng gần bờ sóng to nên càng tăng thêm phần nguy hiểm.
Chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, khuyến cáo bà con không nên mạo hiểm đánh bắt trong lúc biển động nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa thực sự triệt để”.
Bất chấp thời tiết xấu, nhiều thuyền cá của ngư dân Thịnh Lộc vẫn ra lộng đánh bắt.
Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, kiểm soát để bà con ngư dân thực hiện đánh bắt an toàn.
Đặc biệt, ngoài tặng áo phao và hỗ trợ các vấn đề an toàn thì trước mỗi đợt thiên tai, chúng tôi luôn thông tin rộng rãi tình hình thời tiết và cấm, khuyến cáo bà con không được ra biển khi thời tiết diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, do thói quen sản xuất, ý thức về an toàn chưa tốt nên vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa chấp hành nghiêm túc. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn."
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tuợng thủy văn Quốc gia, khoảng từ ngày 7/4 - 8/4/2021 có khả năng xuất hiện 1 cơn áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam biển Đông và 2 cơn bão ở phía Đông Philippines có khả năng đi vào biển Đông; đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới sớm hơn so với quy luật hàng năm. Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão có thể xuất hiện sớm so với quy luật và gió mạnh, sóng lớn trên biển, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện các nội dung sau: 1. Chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão…; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. 2. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 3. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. |