Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến Cao tốc Bắc - Nam được đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các Cục Đường bộ Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam, Quản lý đầu tư xây dựng và các Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85, Thăng Long rà soát đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên) để có thể khai thác với vận tốc 90 km/h.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, một số tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe cơ giới với làn dừng khẩn cấp không liên tục, được đầu tư và đưa vào vận hành khai thác với tốc độ tối đa 80 km/h.
Ngày 22/6/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành và công bố Tiêu chuẩn cơ sở đường ôtô cao tốc - thiết kế và tổ chức giao thông giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng. Theo đó, đối với các tuyến đường ôtô cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô như trên có thể khai thác với tốc độ đến 90km/h.
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức giao thông đối với đường ôtô cao tốc phân kỳ đầu tư có 4 làn xe cơ giới, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng rà soát các yếu tố kỹ thuật có liên quan của công trình đường bộ cao tốc phân kỳ đầu tư đang khai thác hoặc đang chuẩn bị thực hiện đầu tư có 4 làn xe cơ giới để đánh giá tính phù hợp và quyết định việc nâng tốc độ khai thác lên 90km/h.
Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư chủ động điều chỉnh phương án tổ chức giao thông hoặc các giải pháp kỹ thuật cần thiết, điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật như điều chỉnh biển báo, vạch sơn, đáp ứng việc nâng tốc độ khai thác khi đưa vào sử dụng.
Các Ban Quản lý dự án có trách nhiệm phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp kết quả thí nghiệm, báo cáo đánh giá theo yêu cầu, có trách nhiệm thực hiện rà soát và kiến nghị đối với dự án thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, bổ sung các hạng mục công trình theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, để bảo đảm điều kiện an toàn giao thông khi nâng tốc độ khai thác phương tiện.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về bộ trước ngày 31/12/2023.
Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.
Một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào khai thác với tốc độ tối đa cho phép 80 km/h, tốc độ tối thiểu cho phép 60 km/h như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Sơn - Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Trong phần trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào ngày 6/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện nay, chúng ta có các giới hạn tốc độ. Cao nhất là 120 km/h, tiếp đó là 100 km/h, 80 km/h và thấp nhất là 60 km/h. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh như tuyến Hạ Long - Móng Cái thì có thể chạy tới 120 km/h.
Hay như cùng một tuyến, Pháp Vân - Cầu Giẽ là 100 km/h nhưng Cầu Giẽ - Ninh Bình là 120 km/h. Lý do đơn giản là chỉ cần thêm yếu tố có độ nhám thì từ 100 km/h có thể nâng lên 120 km/h.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu rà soát lại xem tiêu chuẩn cao tốc đã phù hợp thực tế chưa. Vừa qua, các cơ quan đã nghiên cứu và nhận thấy với các tuyến quy định 80km/h thì có thể nâng lên 90km/h nhưng các dải tốc độ lớn hơn thì vẫn phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn.
“Bộ Giao thông Vận tải đang điều chỉnh lại tiêu chuẩn, quy chuẩn cao tốc. Dự kiến trong quý 1/2024 sẽ thay đổi tốc độ một số tuyến cao tốc từ 80 km/h lên 90 km/h,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.