Sẵn sàng cho các kỳ thi THPT Quốc gia

Sau khi danh sách cụm thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì được Bộ GD - ĐT công bố, nhiều trường đã sẵn sàng triển khai kế hoạch tổ chức cho kỳ thi này.

Học sinh Hà Nội ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia.
Học sinh Hà Nội ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia.

Chủ động công tác chuẩn bị

Theo danh sách cụm thi, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 8 cụm thi, tại Hải Phòng có 2 cụm thi, còn lại các tỉnh, thành phố: Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, An Giang và Bạc Liêu, mỗi địa phương sẽ có 1 cụm thi. Đây là các cụm thi do trường đại học chủ trì, dành cho những thí sinh dự thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa dùng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, cụm thi phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh đến dự thi; cụm thi có trường đại học đủ năng lực tham gia tổ chức thi, bao gồm các công việc như: Coi thi, chấm thi, báo cáo kết quả thi; số lượng thí sinh ở khu vực thi vừa phải, không gây quá tải cho cơ sở hạ tầng nơi tiếp nhận. Những điều này đã được chuẩn bị từ trước và những cụm thi được giao đều có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tổ chức các công việc này.

Trường ĐH Đà Nẵng được giao chủ trì cụm thi số 27, dành cho thí sinh của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. PGS. TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã xây dựng xong kế hoạch và các phương án chi tiết tổ chức kỳ thi theo phương châm: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh và đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi. Nhà trường có cán bộ đi tập huấn về phần mềm tổ chức kỳ thi, cách lấy kết quả xét tốt nghiệp và dữ liệu xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Các vấn đề đảm bảo an toàn cho kỳ thi như giao thông đi lại, nơi trọ… đã được nhà trường chuẩn bị. Đồng thời, cùng với Sở GD - ĐT, UBND TP Đà Nẵng sẽ có những giải pháp kịp thời về an toàn trong những ngày diễn ra kỳ thi. Bởi trong những ngày tổ chức kỳ thi cũng là thời gian cao điểm của du lịch Đà Nẵng.

“Bên cạnh đó, để hỗ trợ thí sinh và người nhà trong những ngày diễn ra kỳ thi, nhà trường cũng thành lập các đội sinh viên tình nguyện và phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương để có phương án đưa, đón, hướng dẫn thí sinh đến nơi trọ và các điểm thi. Đảm bảo an ninh trật tự, giá cả hợp lý, điện nước trong những ngày diễn ra kỳ thi”, PGS. TS Trần Văn Nam cho biết.

Với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng, cơ sở vật chất tốt, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Phó Hiệu trưởng, ông Hoàng Minh Sơn cho biết: “Đã nhiều năm được nhận nhiệm vụ tuyển sinh, mỗi năm có từ 10.000 - 20.000 thí sinh tham gia thi tuyển, nên chúng tôi đã có kinh nghiệm tổ chức. Chúng tôi đã bố trí hơn 3.000 chỗ trong ký túc xá để thí sinh có chỗ ở. Trường cũng làm việc với các trường ĐH khác trong khu vực để chuẩn bị giáo viên và cơ sở tổ chức coi thi và chấm thi’.

Ông Hoàng Minh Sơn cho biết thêm: “Vẫn còn nhiều việc cần triển khai như: Làm việc với các Sở GD - ĐT, các trường phổ thông và lực lượng công an để tổ chức thi; bố trí chỗ ở, ký túc xá; bố trí lực lượng sinh viên tình nguyện để hỗ trợ cho thí sinh trong kỳ thi. Khó khăn bao giờ cũng có, nhưng thường ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đảm nhận vai trò này với trách nhiệm cao nhất”.

Năm nay, ĐH Sư phạm Hà Nội được giao tổ chức thi cho khoảng 35.000 thí sinh. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, nhà trường đã lên phương án tổ chức cụm thi, trong đó, đội ngũ cán bộ coi thi có thể tăng gấp 3 các năm trước. Để bổ sung cho đội ngũ này, trường sẽ điều động đội ngũ học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên năm thứ ba; đồng thời tăng cán bộ giám sát, thanh tra, kiểm tra. ĐH Sư phạm Hà Nội đã liên hệ với một số trường lân cận để đảm bảo chỗ ở cho thí sinh.

Tại Cụm thi Thái Nguyên, ĐH Thái Nguyên đã tổ chức khảo sát số lượng thí sinh đến từ 5 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn và Thái Nguyên, dự kiến khoảng gần 60.000 thí sinh dự thi. Con số này cũng tương đương với số lượng thí sinh của kỳ thi tuyển sinh đại học theo hình thức “3 chung” những năm trước. Thầy Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng trường Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Trước khi lựa chọn cụm thi tại ĐH Thái Nguyên, Bộ GD - ĐT đã cử đoàn đến khảo sát. Đại học Thái Nguyên với 7 trường thành viên, 1 trường cao đẳng và 2 khoa trực thuộc, trong những năm qua, cũng đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, có những năm thí sinh dự thi lên tới 70.000 - 80.000 người. Bên cạnh đó, số lượng các trường cao đẳng, trung cấp và trung học phổ thông đủ tiêu chuẩn để đưa vào trong cụm thi ở Thái Nguyên tương đối lớn.

Khó cơ chế tài chính

Một số cụm thi cho rằng, bên cạnh những ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia như hạn chế được số thí sinh ảo, không gây lãng phí phòng thi, nhân lực phục vụ của kỳ thi thì vấn đề kinh phí để tổ chức cụm thi đang là một băn khoan lớn. Được biết, kinh phí bù lỗ mỗi mùa tuyển sinh của các trường hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Cái khó khăn lớn nhất hiện nay với các trường có lẽ là phải tự chủ kinh phí. Như mọi năm, để tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, hầu như trường nào cũng phải bù lỗ. Kinh phí này do mỗi trường tự điều chỉnh, dựa vào ngân sách thu chi của nhà trường. “Như mọi năm, trường chỉ tuyển sinh viên cho mình, nhưng năm nay trường đứng ra tổ chức thi còn sinh viên của trường khác nữa. Như vậy, số lượng thí sinh sẽ nhiều hơn, đồng nghĩa với việc sẽ bù lỗ nhiều hơn. Và khó khăn lớn nhất là năm nay Bộ GD - ĐT quy định kinh phí dành cho kỳ thi trên nguyên tắc học sinh không phải nộp lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ như các năm trước. Do vậy, Bộ cần sớm phối hợp với Bộ Tài chính để ra một mức lệ phí thi hợp lý cũng như có những hỗ trợ thêm cho các trường tổ chức thi”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng trường ĐH Thái Nguyên cũng đề xuất: “Với một kỳ thi chung như năm nay, cần phải cân nhắc cơ chế tài chính hợp lý cho các trường chủ trì cụm thi. Ví dụ như khung định mức cho cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi... Nếu định mức quá thấp sẽ gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện”.

Dự kiến lịch thi THPT quốc gia

Ngày 1/7: Toán (sáng), Ngoại ngữ (chiều); Ngày 2/7: Văn - vật lý; Ngày 3/7: Địa - hóa; Ngày 4/7: Sử - sinh. Trong đó các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút; các môn vật lí, hóa học, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút; Các môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, cũng làm trong 90 phút. Đề thi môn ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.

Dự kiến lịch xét tuyển ĐH, CĐ

Xét tuyển NV 1: Từ 1- 20/8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất 25/8); xét tuyển NV bổ sung đợt 1: Từ 5/8- 15/9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/9); xét tuyển NV bổ sung đợt 2: từ 20/9 - 5/10 (công bố điểm trúng tuyển trước 10/10); xét tuyển NV bổ sung đợt 3: Từ 10 - 25/10 (công bố điểm trúng tuyển trước 31/10); xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường CĐ): Từ 31/10 - 15/11 (công bố điểm trúng tuyển trước 20/11).

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Phát huy tinh thần tự chủ của các trường

“Trong quá trình tổ chức thi, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Bộ GD - ĐT thì các trường ĐH cần phát huy tinh thần tự chủ, tiết kiệm để đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

P/v: Thưa ông, một trong những vấn đề người dân quan tâm là việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh và trong tỉnh đã được các địa phương và các trường đại học triển khai như thế nào?

Theo như quy định, sẽ có hai loại cụm thi: Cụm thi liên tỉnh dành cho đối tượng thí sinh có nhu cầu vào đại học. Còn với những thí sinh không có nhu cầu hay chưa có nhu cầu trực tiếp dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào đại học, thì có thể chọn cụm thi tại các địa phương.

Về vị trí đặt các cụm thi, trên cơ sở số lượng thí sinh đăng ký dự thi, đồng thời căn cứ vào điều kiện địa lí, thời tiết; Bộ GD-ĐT và địa phương quyết định vị trí, cũng như quy mô của cụm thi. Còn việc tổ chức ăn, ở cho học sinh thì vẫn sẽ triển khai như khi tổ chức thi ĐH những năm trước.

P/v: Một trong những băn khoăn lớn của các trường ĐH hiện nay là vấn đề kinh phí tổ chức thi. Bộ GD - ĐT có kế hoạch hỗ trợ gì với các trường không, thưa ông?

Theo dự thảo thông tư liên tịch giữa Bộ GD - ĐT và Bộ Tài chính, mức lệ phí thi dự kiến của thí sinh trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là 35.000 đồng/môn. Chỉ đạo của Chính phủ là thí sinh sẽ không phải nộp lệ phí cao hơn những năm trước.

Bộ GD - ĐT và Bộ Tài chính sẽ xem xét bổ sung hỗ trợ cho các điểm tổ chức thi. Kinh phí cũng có thể sẽ thiếu nhưng Bộ GD - ĐT sẽ huy động các trường phát huy vai trò tự chủ trên nguyên tắc tiết kiệm.

Lượng công việc cho tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ khá lớn. Thí sinh nhiều, nên sẽ có nhiều hồ sơ. Bên cạnh đó là có nhiều môn thi, cơ cấu phức tạp, lại chỉ diễn ra trong 4 ngày. Tôi cho rằng cần có cơ chế phối hợp thông tin từ các trường THPT. Tại đây, hồ sơ phải chính xác, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Việc in sao đề thi luôn là mối quan tâm của các trường. Số lượng thí sinh lớn, số lượng môn thi nhiều hơn, đây là khó khăn chính mà cần phải chuẩn bị kỹ mới tránh nhầm lẫn, sai sót.

PGS TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông: Sẽ có những khó khăn về tổ chức thi

Theo Lê Vân - Việt Hà/baotintuc.vn

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức. Nỗ lực của thầy và trò đã đơm hoa, kết trái bằng những thành tích ấn tượng trên mỗi sân chơi kiến thức.