Bác sỹ Khoa Nhi - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh thăm khám cho bệnh nhân.
Sau khi sinh ra được 4 tháng tuổi, cháu H. (Thạch Hà) có các triệu chứng viêm phổi nên bố mẹ đưa vào Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) để điều trị. Tuy nhiên, khi tiến hành siêu âm tim phát hiện cháu H. bị thông liên thất (tim bẩm sinh) do đã chuyển nặng, các bác sỹ BVĐK tỉnh không thể can thiệp nên chuyển cháu H. ra Bệnh viện Việt Đức điều trị.
Theo bác sỹ Đặng Quang Minh – Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), trường hợp của cháu H. là không hiếm, vì thời gian qua tại khoa cũng đã có các trường hợp tương tự. Thậm chí, có một số bé trước sinh dù đã sàng lọc không phát hiện ra bị tim bẩm sinh, song sau sinh một thời gian khi đưa vào kiểm tra, sàng lọc thì mới phát hiện ra là bị tim bẩm sinh hoặc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa khác.
Theo thống kê, tỷ lệ trẻ sau sinh qua sàng lọc phát hiện bị tim bẩm sinh là 8 đến 10 phần nghìn (1.000 trẻ sinh ra thì có 8 đến 10 trẻ được phát hiện bị tim bẩm sinh, sau khi sàng lọc sau sinh). Theo chia sẻ của các bác sỹ Khoa Nhi, có rất nhiều trường hợp sau sinh khoảng 3-4 tháng, bé có các triệu chứng viêm đường hô hấp, khó thở, gia đình đưa vào kiểm tra, sàng lọc thì cho thấy tim đã bị suy, nhiều trường hợp đã chống chỉ định phẫu thuật.
Với hệ thống máy siêu âm tim hiện đại nên trong 2 năm qua, các trẻ sinh ra tại BVĐK tỉnh đều được tiến hành siêu âm tim để sàng lọc tim bẩm sinh.
Một trong những khó khăn đặt ra hiện nay trong việc phát hiện bệnh tim bẩm sinh ở trẻ là việc các sản phụ sinh con tại trạm y tế, một số bệnh viện tuyến cơ sở không được sàng lọc tim. Hơn nữa, việc phát hiện trẻ bị tim bẩm sinh là rất khó vì bệnh chưa biểu hiện nặng. Đến khi sinh ra một thời gian ngắn, trẻ có triệu chứng, đưa vào bệnh viện kiểm tra thì phát hiện bị tim bẩm sinh và đã chuyển nặng nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
“Đối với các trẻ, sau khi sinh ra trước hai tháng tuổi nên đưa trẻ đi sàng lọc tim bẩm sinh nhằm phát hiện sớm các nguy cơ để có các giải pháp can thiệp, điều trị kịp thời. Ngoài ra, các bé khi sinh ra cũng cần được tiến hành sàng lọc bằng cách lấy máu gót chân để phát hiện sớm một số bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, các bệnh suy giáp bẩm sinh, bệnh tăng sản tuyến thượng thận và bệnh thiếu men G6PD...” – Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) Đặng Quang Minh khuyến cáo.
Lấy máu gót chân cho trẻ để sàng lọc một số bệnh bẩm sinh và các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa.
Được biết, trong 2 năm qua, các trẻ sinh ra tại BVĐK tỉnh đều được các bác sỹ Khoa Nhi tiến hành việc siêu âm tim, lấy máu gót chân và làm các xét nghiệm cần thiết để sàng lọc, phát hiện sớm tim bẩm sinh cũng như các bệnh lý khác.
Chị Trần Thị Thanh Quý (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mình đã sinh được 1 tháng, theo lời khuyên của các bác sỹ, mình đã đưa cháu đến siêu âm tim và làm các xét nghiệm cần thiết theo chỉ dẫn, không phát hiện bất thường nên cũng yên tâm. Mình nghĩ đây thực sự là việc làm cần thiết để bảo vệ cho con trẻ, kịp thời có biện pháp chữa trị nếu phát hiện sớm các nguy cơ”.