Bệnh khô vằn gây hại trên lúa hè thu, đặc biệt là giai đoạn làm đòng - trổ bông - chín sáp.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên đồng ruộng đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại trên các trà lúa. Đáng lo ngại nhất là sâu cuốn lá nhỏ gây hại tại các xã An Dũng, Bùi La Nhân, Tân Dân; đặc biệt, có 3 ha tại các thôn Trung Nam, Ngoại Xuân (xã An Dũng), sâu cuốn lá gây hại làm trắng bộ lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Hiện nay, sâu cuốn lá đã vũ hóa rộ trên đồng ruộng, mật độ tương đối cao từ 20 - 30 con/m2, cục bộ có những khu vực từ 50-100 con/m2, khả năng phát sinh gây hại trên trà lúa trổ sau ngày 15/8. Bên cạnh đó, bệnh vàng lá đốm nâu; rầy nâu, rầy lưng trắng (tuổi 2 - tuổi 4) xuất hiện với mật độ từ 50 - 200 con/m2, gây hại chủ yếu trên các bộ giống như: BT09, Bắc Thơm 7, Nếp 97 với tỷ lệ nhiễm từ 30 - 50%, cục bộ tại xã Tân Dân, có nơi rầy nâu xuất hiện với mật độ từ 500 - 1.000 con/m2.
Để chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa hè thu, UBND huyện Đức Thọ đã ban hành công điện đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh; tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về tình hình, diễn biến các loại sâu bệnh trên cây trồng; giao trách nhiệm đến từng phòng ban chuyên môn, các địa phương và cán bộ phụ trách bám sát, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm.
Bà con nông dân phun thuốc phòng bệnh khô vằn
Ông Nguyễn Xuân Thọ - Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: "Thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, xen kẽ mưa rào và giông tạo hình thái thời tiết nóng ẩm rất thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh, phát triển, gia tăng số lượng, mật độ và gây hại. Đặc biệt, sâu cuốn lá lứa 3 đang vào giai đoạn cao điểm phát sinh gây hại; bệnh khô vằn tiếp tục phát triển, lây lan trên đồng ruộng; rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ gia tăng mật độ và có thể gây cháy ổ khi lúa giai đoạn chắc xanh vàng mơ".
Cũng theo Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ, các địa phương cần tập trung điều tiết, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông. Đồng thời, chủ động cảnh báo, hướng dẫn bà con nông dân tiến hành phun phòng sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 ở các trà lúa trổ muộn. Đặc biệt, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khô vằn, bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng… để hướng dẫn bà con phòng trừ đạt kết quả cao.