Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 diễn ra chiều 23/12 tại Hà Nội. Ảnh Báo NNVN
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp cả nước năm 2019 đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở 63/63 tỉnh thành; hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn; thị trường nông sản không ổn định... Tăng trưởng toàn ngành năm 2019 đạt thấp (2,2%).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh
Tuy vậy, các địa phương vẫn thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, vận hành cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Năm 2019 cũng đánh dấu những giá trị mới về thị trường xuất, nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ngành NN&PTNT Hà Tĩnh chủ trương giảm dần chăn nuôi nông hộ khi không đảm bảo các điều kiện, tập trung phát triển mạnh chăn nuôi trang trại và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững.
Tại Hà Tĩnh, trong tình hình khó khăn, sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định. Sản lượng lương thực ổn định. Đối với dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tốt. Chăn nuôi trang trại lớn vẫn giữ an toàn, đảm bảo lượng thịt hơi phân phối cho các thị trường.
So với cả nước, dịch xảy ra ở Hà Tĩnh chậm hơn 4 tháng. Số lợn buộc tiêu hủy trên 21.801 con, thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ, bằng gần 1/10 tỉnh có số lượng thiệt hại lớn nhất.
Về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Trên cơ sở phân tích những hạn chế và bài học kinh nghiệm, hội nghị đề ra những giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Mục tiêu trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh.
Nhiều nhà vườn ở vùng trà sơn Can Lộc - Hà Tĩnh thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap
Toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,8 - 3%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 2,9 - 3,05%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Cả nước có 59% xã đạt nông thôn mới và ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới …
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của ngành NN&PTNT, sự nỗ lực của bà con nông dân và chung sức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch chỉ tiêu nông nghiệp năm 2019.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, các bộ, ngành, địa phương vẫn “chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng và thực hiện hiệu quả” các mục tiêu, nhiệm vụ.
Đặc biệt, đổi mới nhiều mô hình tăng trưởng có hiệu quả cao, nông sản Việt Nam đã tìm thấy nhiều thị trường trên thế giới. Xuất hiện ngày càng nhiều nhà máy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến đi vào hoạt động…
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả hơn đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nỗ lực để trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, tìm kiếm thị trường và giữ chất lượng, chữ tín sản phẩm nông nghiệp trên trường quốc tế.