Dù còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng bà con ngư dân luôn vững tin, nỗ lực vượt qua để tiếp tục vươn khơi bám biển. Ảnh: Anh Tấn
Tại địa bàn các tỉnh miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, công tác rà soát, kê khai, xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở đền bù, hỗ trợ người dân đã và đang được gấp rút tiến hành. Trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh, các ngành chức năng tiếp tục vào cuộc triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát tình hình môi trường biển.
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng đã có tác dụng động viên và từng bước giúp ngư dân khắc phục khó khăn, giải quyết được mối nghi ngờ trong dân chúng. Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra nghi ngại về khả năng khắc phục môi trường biển, chưa tin vào những khuyến cáo của cơ quan chức năng. Trên khắp địa bàn tỉnh, từ chợ trung tâm, đến các chợ cồn gò ven biển trong suốt gần 3 tháng qua không còn cảnh nhộn nhịp bán mua hải sản, kể cả sau thời điểm công bố nguyên nhân, đối tượng gây nhiễm độc biển. Hầu hết các bãi tắm trên địa bàn trong suốt mùa du lịch hầu như vắng bóng du khách, kể cả sau những ngày cuối tháng 4, các cơ quan chức năng liên tục tiến hành quan trắc, lấy mẫu đánh giá chất lượng nước biển và cho kết quả 7/7 điểm du lịch biển trên địa bàn Hà Tĩnh đều đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.
Các cơ quan chức năng cần sớm khoanh vùng, định hướng để bà con diêm dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Hương Thành
Những điểm bán cá đảm bảo chất lượng được các tổ chức, đoàn thể lập nên, có cơ quan chức năng dán nhãn kiểm định hẳn hoi cũng chỉ bán được một lượng rất ít. Người dân dường như đang quay lưng với những sản phẩm từ biển trên địa bàn, chưa tin vào những khuyến cáo của cơ quan chức năng. “Điều chúng tôi băn khoăn là nước biển, hải sản có còn nhiễm độc nữa không, đã ăn được chưa; vùng nào được đánh bắt, vùng nào không? Các cơ quan chức năng cần phải sớm công bố rõ các vấn đề trên, vì hiện nay, người dân vẫn chưa dám ăn hải sản, ngư dân chưa thể yên tâm sản xuất…”, chủ tàu Võ Văn Hạnh (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) băn khoăn kiến nghị.
Đây cũng là quan điểm của nhiều người dân suốt dọc tuyến ven biển mà chúng tôi có dịp trao đổi.
Cùng với những khó khăn của nghề đánh bắt, du lịch, dịch vụ thì các ngành nghề như diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng chẳng mấy sáng sủa. Nhiều diện tích nuôi trồng không được thả con giống, số hồ đang nuôi người dân không dám lấy nước ngoài biển vào vì sợ con nuôi bị nhiễm độc, đành chấp nhận tôm, cá chậm phát triển, thậm chí phát sinh dịch bệnh. Đối với bà con diêm dân vốn đã vất vả, nay lại càng khó khăn hơn.
Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước lăn lộn suốt gần 3 tháng qua đã xác định được nguyên nhân, đối tượng và cả mức độ nhiễm độc biển, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Ngoài việc kịp thời rà soát, xác định mức độ thiệt hại, tiến hành hỗ trợ cho người dân kết hợp với xây dựng phương án, thực hành kiểm soát chất thải nghiêm ngặt… theo chúng tôi, cơ quan chức năng từ trung ương đến tỉnh cần khẩn trương vào cuộc khoanh vùng khu vực bị nhiễm độc; đồng thời ban bố lệnh cấm đánh bắt, cấm nuôi trồng hải sản cũng như cấm lấy nước biển khu vực nhiễm độc sử dụng vào bất cứ lĩnh nào có liên quan đến con người và môi sinh, môi trường.
Đối với số hải sản đánh bắt trong thời gian xẩy ra sự cố môi trường, cần có phương án tổ chức giám định nghiêm ngặt trước lúc đưa ra thị trường, tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng.
Hy vọng, trong thời gian sớm nhất, những băn khoăn, thắc mắc, những nguyện vọng chính đáng của người dân, của dư luận sẽ được các ngành chức năng giải quyết thỏa đáng, góp phần giúp ngư dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, yên tâm bám biển.