Sớm xác định nguyên nhân và có giải pháp bảo vệ môi trường biển

(Baohatinh.vn) - Sự cố môi trường biển thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh và cả cộng đồng, nhân dân vùng chịu ảnh hưởng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tin tưởng chờ đợi kết quả điều tra nguyên nhân sự cố và mong muốn nhận được những chính sách khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

PV Báo Hà Tĩnh ghi lại những tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Với những chính sách hỗ trợ từ Trung ương, chính quyền và ngành chức năng các cấp, bà con ngư dân từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục ra khơi, kinh doanh hải sản

Ngư dân Nguyễn Văn Thủy (xã Kỳ Ninh): Sự cố về môi trường biển thời gian qua khiến ngư dân chúng tôi hết sức lo lắng; bởi cuộc sống ngư dân chủ yếu phụ thuộc vào biển, một người đi biển.

Bây giờ thuyền đậu, lưới treo, ít nhiều trong tư tưởng có sự hoang mang. Cũng may trong suốt thời gian xảy ra sự cố, không thể ra khơi, chính quyền và các đoàn thể, tổ chức cá nhân đã đến động viên, chia sẻ, hỗ trợ chúng tôi vượt qua khó khăn, vững tin hơn.

Tôi mong sau khi công bố nguyên nhân, việc quan trọng nhất là Nhà nước phải có giải pháp trả lại môi trường biển để bà con chúng tôi nhanh chóng ra khơi trở bám biển trở lại, chứ để thuyền nằm phơi nắng trên bờ từng ngày, xót xa lắm. Còn nếu việc khắc phục sự cố diễn ra trong thời gian dài, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ để chúng tôi chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Diêm dân Nguyễn Thị Khánh Ly (xã Kỳ Hà): Đối với người dân Kỳ Hà, cuộc sống hầu hết nhờ vào biển, vào muối. Khi sự cố xảy ra, các hộ sản xuất muối như chúng tôi ai cũng lo lắng. Thị trường, giá cả muối luôn bấp bênh, nay nghe tin nước biển có vấn đề càng khiến cho việc sản xuất, tiêu thụ khó lại càng khó.

Tuy vậy, sau khi ngành chức năng công bố muối ăn an toàn hoạt động sản xuất của bà con diêm dân chúng tôi có phần được khởi sắc. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ thu mua muối với giá 12.500 đồng/yến góp phần giúp chúng tôi bớt khó khăn, yên tâm sản xuất. Mong rằng, trong thời gian tới Nhà nước có giải pháp hỗ trợ diêm dân tái sản xuất, nhất là đối với diêm dân.

Hộ nuôi trồng thủy sản Võ Xuân Song (Kỳ Ninh): Gia đình tôi cùng với các hộ dân khác đầu tư nuôi cua trên diện tích 10ha. Nguồn thu nhập từ nghề nuôi thủy sản giúp cuộc sống gia đình được nâng lên đáng kể, có điều kiện nuôi con ăn học. Tuy vậy sự cố môi trường trong thời gian qua khiến chúng tôi mất trắng hoàn toàn số vốn hơn 300 triệu đồng (cả tiền giống và tiền thức ăn - PV).

Điều động viên chúng tôi là sau thiệt hại lớn, gia đình tôi đã được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ 60 triệu đồng cùng với nhiều tổ chức, cá nhân đến trao tặng quà nên phần nào giúp gia đình bớt khó khăn trong thời gian không thể sản xuất.

Tôi mong sớm xác định rõ nguyên nhân, tìm giải pháp xử lý nguồn nước, trả lại môi trường biển, bảo đảm cho chúng tôi yên tâm vào vụ mới. Đồng thời, mong các ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho chúng tôi giản nợ, hỗ trợ lãi suất vay vốn tái sản xuất.

Hộ thu mua thủy hải sản Mai Thị Phương (Kỳ Lợi): Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước, chúng tôi đã tích cực đồng hành cùng bà con ngư dân, thu mua hải sản an toàn, góp phần cùng bà con vượt qua khó khăn.

Tuy vậy, do tâm lý người dân còn nhiều e ngại, lo lắng khiến việc buôn bán hải sản sau khi thua mua gặp nhiều khó khăn. Nếu vận chuyển đi xa thì đẩy chí phí vận chuyển lên cao sẽ bị thua lỗ. Vì vậy, mong muốn cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ nguyên nhân và tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để ngư dân yên tâm vươn khơi trở lại, nhân dân yên tâm tiêu thụ các sản phẩm từ biển, góp phần giúp hoạt động buôn bán của các cơ sở thu mua hoạt động trở lại bình thường.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói