“Các ủy ban này không cần tồn tại và hoạt động nữa. Nếu thấy cần thiết, Tiểu vương quốc Hồi giáo sẽ tái thành lập chúng”, phát ngôn viên chính phủ lâm thời do Taliban thành lập Bilal Karimi ngày 25/12 nói, đề cập tới Ủy ban Bầu cử Độc lập (IEC) và Ủy ban Khiếu nại Bầu cử Độc lập của Afghanistan . Karimi không nêu lý do cụ thể của quyết định trên.
Lãnh đạo và thành viên Taliban trong dinh tổng thống Afghanistan ở Kabul ngày 15/8. Ảnh: AP.
IEC được thành lập năm 2006, có nhiệm vụ quản lý và giám sát tất cả cuộc bầu cử của Afghanistan, bao gồm bầu cử tổng thống. Một số quan chức của ủy ban bầu cử Afghanistan đã bị các nhóm cực đoan sát hại trước khi Taliban tiếp quản quyền lực.
“Họ đưa ra quyết định một cách vội vàng, giải tán ủy ban này sẽ gây ra hậu quả rất lớn”, Aurangzeb, cưu lãnh đạo IEC, cho biết. “Nếu cấu trúc này không tồn tại, tôi chắc chắn 100% rằng vấn đề của Afghanistan không bao giờ được giải quyết sẽ không có bất cứ cuộc bầu cử nào”.
Trong khi đó, Halim Fidai, cựu quan chức cao cấp của chính phủ Afghanistan cũ, cho rằng Taliban giải tán ủy ban bầu cử do “không tin vào các thể chế dân chủ”. “Họ chống lại các thể chế dân chủ. Họ giành quyền lực bằng súng đạn chứ không phải phiếu bầu”, Fidai nói.
Phát ngôn viên Karimi cho biết Taliban cũng đã giải tán hai bộ của chính phủ Afghanistan trong tuần này, gồm Bộ Hòa bình và Bộ Các vấn đề Quốc hội.
Trước đó, nhóm này giải tán Bộ Phụ nữ Afghanistan và thay bằng Bộ Cầu nguyện, Hướng dẫn, Thúc đẩy Đức hạnh và Ngăn ngừa Đồi bại. Đây là cơ quan chuyên diễn giải luật Hồi giáo Sharia trong thời kỳ cầm quyền đầu tiên của Taliban năm 1996-2001.
Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan từ giữa tháng 8, sau khi chính phủ do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ trước đà tiến công như chẻ tre của lực lượng này. Chính phủ lâm thời do Taliban thành lập đang hối thúc cộng đồng quốc tế khôi phục viện trợ trị giá hàng tỷ USD cho Afghanistan, đồng thời cam kết điều hành quốc gia Trung Á một cách ôn hòa hơn.
Tuy nhiên, nhóm này bị cáo buộc trả thù đối thủ cũ và không có những động thái rõ ràng trong bảo vệ quyền phụ nữ, khiến chính quyền của họ chưa được thế giới công nhận.