Tăng cường phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi

(Baohatinh.vn) - Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, tình trạng rét còn kéo dài nhiều ngày, trong đó có những ngày còn xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng, có nguy cơ ảnh hưởng xấu sức khỏe người dân, sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.

Tăng cường phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi

Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, người dân cần che chắn, giữ ấm chuồng trại, bổ sung thức ăn thường xuyên.

Thực hiện Công điện số 08/CĐ-TTg ngày 23/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài; Văn bản số 602/BNN-CN ngày 19/1/2024 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi; để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại.

Cụ thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm công điện nêu trên của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 602/BNN-CN ngày 19/1/2024 của Bộ NN&PTNT; các công điện của UBND tỉnh: số 17/CĐ-UBND ngày 27/12/2023 về việc chủ động phòng chống rét đậm, rét hại, số 01/CĐ-UBND ngày 20/1/2024 về việc chủ động chống rét đậm, rét hại trên cây trồng, vật nuôi vụ Xuân năm 2024 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi.

Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho người dân, đặc biệt khi diễn biến thời tiết khắc nghiệt nhất là người cao tuổi, trẻ em... Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định, hướng dẫn của ngành GD&ĐT.

Tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống đói, rét đối với gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đoàn thể và chính quyền cấp xã hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi; chú trọng khu vực miền núi, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Đặc biệt trong những ngày rét đậm, rét hại phân công cán bộ, chuyên môn xuống tận các thôn xóm để chỉ đạo, hướng dẫn.

Hướng dẫn người dân che chắn giữ ấm chuồng trại, ao nuôi, bể nuôi và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi, khu vực nuôi trồng; có biện pháp sưởi ấm cho gia súc, gia cầm khi nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt là con non cần phải có ô sưởi ấm riêng; đối với ao nuôi thủy sản đảm bảo độ sâu mực nước từ 1,5 m trở lên, có thể sử dụng bạt, bèo tây phủ 1/2-1/3 mặt ao, bể nuôi, sử dụng dụng cụ nâng nhiệt đối với các ao bể nhỏ. Chủ động nguồn thức ăn, bổ sung thêm vitamin, muối khoáng... nhằm tăng cường sức đề kháng cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi. Vận động, hướng dẫn người chăn nuôi đưa trâu, bò thả rông trong rừng về chỗ nuôi nhốt, kiểm soát được; trong thời gian nhiệt độ ngoài trời dưới 130C, tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc và chăn thả. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi. Chuẩn bị tốt điều kiện về nhân lực, vật tư, vắc xin... triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2024 cho đàn gia súc, gia cầm.

Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi; quan tâm hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.

Sở Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe; cảnh báo để người dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như cháy nổ, bỏng, đặc biệt là nguy cơ nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt việc phòng, chống rét cho người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh; bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp và tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân trong thời tiết giá lạnh.

Sở GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể việc chống rét cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; hướng dẫn việc cho học sinh nghỉ học khi có rét đậm, rét hại và các diễn biến bất thường khác do giá rét (nếu nhiệt độ dưới 100C thì cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ; dưới 80C thì cho học sinh THCS nghỉ học; phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã căn cứ tình hình thời tiết, chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh rét và báo cáo kịp thời cho các cấp quản lý, Sở GD&ĐT).

Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sản xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản nuôi. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp xử lý khi thời tiết có diễn biến bất thường.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.