Tên gọi Hà Tĩnh xuất hiện đầu tiên trên bản đồ hành chính vào năm nào?

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh với bản sắc văn hóa, lịch sử, tiềm năng kinh tế riêng biệt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương phát triển năng động ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Tên gọi Hà Tĩnh xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ hành chính nước ta vào năm nào?
A: 1799
B: 1802
C: 1822
D: 1831

Giải thích

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh, năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính quy mô toàn quốc, chia cả nước làm 30 tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở tách 2 phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An lập thành một tỉnh riêng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, danh xưng Hà Tĩnh xuất hiện là một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình. Vùng Hà Tĩnh lúc bấy giờ có 2 phủ (phủ Hà Hoa và phủ Đức Quang), 6 huyện (Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa).
Thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) được thành lập vào thời vua nào?
A: Vua Minh Mệnh
B: Vua Khải Định
C: Vua Hàm Nghi
D: Vua Tự Đức

Giải thích

Năm 1924, Vua Khải Định chính thức ban hành Đạo dụ thành lập thị xã Hà Tĩnh. Thời kì đó, thị xã Hà Tĩnh, tức thành phố Hà Tĩnh ngày nay, chia làm 8 khu phố: Tịnh Trung, Hoàn Thị, Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn, Tân Giang, Nam Ngạn. Từ năm 1948-1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ là một đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Thạch Hà. Ngày 21/11/1957, Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Kế Toại ký Nghị định số 564-NĐ/CP tái thiết thị xã Hà Tĩnh trên cơ sở địa giới hiện tại. Thị xã Hà Tĩnh là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh.
Làng nào duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh?
A: Trường Lưu
B: Tùng Ảnh
C: Uy Viễn
D: Tiên Điền

Giải thích

Có tuổi đời hơn 600 năm, làng cổ Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) sở hữu hệ thống di tích đặc sắc, trong đó: Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trường Lưu cũng là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có được vinh dự này cho đến nay. Tính đến tháng 4/2025, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tác phẩm “Truyện Kiều” - kiệt tác văn chương của Việt Nam gồm bao nhiêu câu thơ lục bát?
A: 3250
B: 3252
C: 3254
D: 3256

Giải thích

Nguyễn Du (1765-1820) tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, đã từng làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê. Với tài năng thiên bẩm, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn học vô cùng quý giá. Với hàng trăm tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã phác họa, chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống xã hội đương thời, xót thương cho những thân phận khổ đau, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người, tiêu biểu như “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục” và đỉnh cao là “Truyện Kiều” - một kiệt tác thơ của mọi thời đại, có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi giá trị tư tưởng cao đẹp và giá trị nghệ thuật đặc sắc của một thiên tiểu thuyết bằng thơ. “Truyện Kiều” nguyên tên là “Đoạn trường tân thanh”, được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3.254 câu. “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ. Tại mỗi quốc gia, tác phẩm đều được đón tiếp nồng nhiệt và đều có một đời sống riêng. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 Danh nhân văn hóa toàn thế giới.
Vũng Áng - khu kinh tế lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh được thành lập vào năm nào?
A: 2004
B: 2005
C: 2006
D: 2007

Giải thích

Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích 22.781 ha, bao gồm 9 xã, phường nằm ở phía Nam của TX Kỳ Anh. Khu kinh tế tọa lạc ở vị trí có nhiều thuận lợi: cách TP Hà Tĩnh gần 70km về phía Nam, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 50km về phía Bắc, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, thuận tiện cho sự giao thương… Từ Khu kinh tế Vũng Áng, theo QL 1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với các vùng trong cả nước. Bên cạnh đó, theo QL 8A và QL 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Đặc biệt, tại Khu kinh tế Vũng Áng có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển KT-XH liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan. Hằng năm, Khu kinh tế Vũng Áng đóng góp hơn 90% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và 80% số thu ngân sách toàn tỉnh. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh tiếp tục xác định Vũng Áng sẽ là một trung tâm động lực tăng trưởng cho tỉnh nhà. Đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, chế tạo sau thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói