Mặc cho ý nghĩa nguyên bản của Tết Đoan ngọ là thế nào đi chăng nữa thì theo quan niệm của người Việt, mùng 5/5 âm lịch là thời điểm nóng nhất, trời đất sản sinh nhiều sâu bọ, con người dễ sinh các tật bệnh nên cần phải “diệt trừ sâu bọ”.
Người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) quê tôi cũng không ngoại lệ. Từ tối mùng 4, mẹ đã chuẩn bị cho chị em tôi cơm rượu nếp và một vài thứ quả - thường là những loại quả có vị chua như xoài, mận, chanh. Những thứ quả mà theo giải thích của ông bà, bố mẹ là vị chua sẽ giúp thanh lọc, làm sạch đường tiêu hóa để... “diệt giun sán”.
Cơm rượu nếp, các loại quả đặc trưng của mùa hè là những thứ được người lớn dùng để "làm phép" diệt sâu bọ cho lũ trẻ chúng tôi ngày bé. (Ảnh minh họa internet)
Sáng mùng 5, mẹ thức chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Chúng tôi được “quán triệt” là không đứa nào được bước chân xuống nền nhà trước khi ăn một loại quả nào đó mà bố mẹ đã chuẩn bị sẵn. Vì sợ sâu bọ “chui vào người” mà đứa nào đứa nấy tuân thủ răm rắp “điều lệnh” ấy.
Sau “nghi thức” mở đầu ngày mới là một công việc rất nhộn nhịp mà năm nào lũ trẻ chúng tôi cũng háo hức ngóng chờ, ấy là đi tìm hái lá để tắm. Cái rộn ràng nhất của ngày Tết Đoan Ngọ ở quê tôi có lẽ là nhà nhà đi hái lá, người người đi hái lá. Trẻ con đứa nào cũng hăng hái lùng sục khắp các góc vườn, dọc theo lối đi trong làng để chứng tỏ mình là đứa trẻ lớn, đảm đang và thành thạo. Năm nào cũng thế, đều đặn và vui tươi.
Đi tìm lá để nấu nước tắm là công việc mà bọn trẻ con háo hức mỗi sáng mùng 5. (Ảnh minh họa internet)
Lá bưởi, cây sả, hương nhu, sài đất… được bà nội tôi rửa sạch, đun một nồi nước thật to, trẻ con và người lớn đều tắm gội sạch sẽ, thơm tho bằng nồi nước lá ấy. Mùi thơm của các loại lá trong vườn nhà phảng phất cả không gian.
Đã gọi là tết thì không thể thiếu mâm cỗ và những món ăn. Với Tết Đoan Ngọ, mâm cỗ đặc biệt hơn một chút. Tôi không rõ những nơi khác thế nào nhưng ở quê tôi, tết Đoan Ngọ mà thiếu món bún, thịt vịt xáo măng và bánh đa thì chưa phải là “mùng 5”. Dù giàu nghèo, sang hèn thì cứ trưa mùng 5, hầu như nhà nào cũng nghe tiếng vịt.
Bún vịt xáo măng - món ăn không thể thiếu của người dân quê tôi mỗi dịp tết Đoan Ngọ (Ảnh minh họa internet)
Ngoài món đặc trưng đó thì những nhà trong xóm vẫn thường làm món ăn từ các sản vật của vụ chiêm như xôi, các loại chè đỗ đen, đỗ xanh, chè kê… để dâng cúng như một lời tạ ơn trời đất đã ban cho dân làng vụ mùa tươi tốt.
Tết Đoan Ngọ cũng là một dịp đặc biệt để tỏ tình thân – mà theo như cách gọi của người dân quê tôi là “về tết cha mẹ”. Tôi vẫn thường thấy, năm nào cũng thế, sáng mùng 5 là các cô, các chú người thì mang con gà, con vịt, người thì ít tấm bánh nếp, chục bánh rán hay con giò lụa về biếu ông bà nội cùng với những lời chúc sức khỏe, bình an. Bữa cơm trưa mùng 5, mọi người quây quần bên nhau trong không khí vui vẻ, thân tình.
Những tục lệ tốt đẹp đó rất có ý nghĩa với người lớn, còn với bọn trẻ con chúng tôi thì mùng 5 chỉ đơn giản là dịp được ăn uống, vui chơi thỏa thích. Còn gì vui bằng khi sách bút đã gấp gọn trong ngăn bàn, kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu, lại được ăn tết và trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị.
Trong ký ức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ như in những buổi sáng mùng 5 “diệt sâu bọ” với hoa quả, cơm nếp và nồi nước lá thơm nồng. Bây giờ, ở chợ người ta vẫn bán những loại lá được phơi khô nhưng mùi hương của nồi nước lá “mùng 5” thuở bé vẫn nồng nàn trong tôi một trời thương nhớ.