Dù đã 102 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Tiến (SN 1922, trú thôn Thanh Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Mỗi dịp Quốc khánh 2/9, tinh thần cụ lại thêm phần phấn chấn, bởi đó là lúc cụ được sống lại những thời khắc lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước.
Cụ Tiến quê gốc ở xã Thạch Lạc (Thạch Hà). Cụ kể, nạn đói đầu năm 1945, nơi vùng quê nghèo của cụ người chết nhiều lắm. Ra ngõ là thấy cảnh tang thương, dân sống lầm than cơ cực, chịu áp bức đủ đường.
Thế rồi, người dân bắt đầu được nghe người ta nói nhiều đến “cách mạng”, đến “khởi nghĩa”. Dù chưa hiểu nhiều nhưng được cán bộ tuyên truyền, vận động, các thành viên trong gia đình cụ Tiến đều trở thành quần chúng cảm tình của cách mạng.
“Những ngày Cách mạng tháng Tám diễn ra, người dân quê tôi hăng hái vùng lên. Tôi cũng theo cha mẹ, các anh chị em cùng với Nhân dân xã Thạch Lạc hòa vào dòng người cầm cờ Tổ quốc đi biểu tình, đánh trống, gõ mõ vang khắp làng trên, xóm dưới. Sáng ngày 18/8/1945, đoàn người kéo lên sân vận động thị xã Hà Tĩnh tham dự lễ mít tinh. Khi chúng tôi đến nơi, sân vận động đã đông nghịt người. Thị xã đỏ rực cờ hoa, người dân ai cũng rạng rỡ, hân hoan vì từ đây đã trở thành công dân của một nước độc lập. Những cái tết Độc lập sau này, chúng tôi vẫn hay lên thị xã chơi để cảm nhận trọn vẹn niềm vui ấy” - cụ Tiến chia sẻ.
Những hình ảnh về mùa thu độc lập đầu tiên đó đã trở thành ký ức đẹp đối với cụ Tiến và các thành viên trong gia đình, trở thành động lực để họ sống, chiến đấu, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Chồng cụ Tiến là cụ Trương Tế (SN 1921-1961), một cựu binh chống Pháp, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở mặt trận phía Bắc, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Con trai cả của cụ là liệt sĩ Trương Trung Lịch (SN 1953-1974) đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam khi đang ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp. Cụ Tiến còn có 5 người anh em họ là liệt sĩ và nhiều thành viên trong dòng họ đã cống hiến tuổi trẻ, máu xương trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Hằng năm, trong niềm vui đón mừng tết Độc lập, cụ Tiến không quên nhắc nhớ con cháu về ký ức hào hùng của quê hương, dân tộc và lòng biết ơn, tri ân những cống hiến to lớn của các thế hệ cha ông để đất nước có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.
79 năm đã trôi qua kể từ mùa thu độc lập đầu tiên ấy, niềm háo hức, tự hào mỗi dịp Quốc khánh 2/9 càng được bồi đắp, nhân lên trong các thế hệ người dân Hà Tĩnh.
Trong căn nhà khang trang của ông Nguyễn Đình Hoan (SN 1957, trú thôn Hưng Mỹ, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên), bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trang hoàng đẹp đẽ, trang nghiêm. Bàn thờ được đặt trang trọng trong phòng khách, ở giữa là lá cờ đỏ sao vàng, một bên là chân dung Bác Hồ, một bên là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phía bên dưới bàn thờ là khu vực trưng bày những tấm bằng khen, giấy khen của ông Hoan và các thành viên trong gia đình. Nơi này đã trở thành không gian giáo dục truyền thống của gia đình ông.
Thành kính dâng nén hương thơm lên bàn thờ, ông Hoan chia sẻ: “Gia đình tôi thờ Bác Hồ đã hàng chục năm nay. Đặc biệt, vào những dịp lễ trọng đại như ngày Quốc khánh 2/9, chúng tôi đều thành kính tưởng nhớ Người. Nếu bố mẹ đi vắng, các con cháu ở nhà cũng cứ theo lệ đó mà làm, chưa bao giờ quên”.
Cũng như gia đình ông Hoan, nhiều năm nay, gần 500 gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Thành đã tích cực hưởng ứng phong trào lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà. Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Thành cho biết: “Phong trào của hội cựu chiến binh đã lan rộng đến cán bộ, đoàn viên và người dân địa phương, tạo nên một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần. Mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là tết Độc lập, người dân lại thắp hương thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với Bác. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ cháu con tình yêu quê hương, đất nước, trân quý giá trị của cuộc sống hòa bình”.
Những ngày này, trên tuyến đường, ngõ phố hay mỗi làng quê ở Hà Tĩnh, một màu cờ đỏ sao vàng rực rỡ, hân hoan. Treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng mỗi dịp lễ trọng của đất nước, nhất là kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã trở thành hoạt động thiêng liêng, tràn đầy niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng.
Thay mới lá cờ Tổ quốc trước hiên nhà, ông Lê Đình Việt (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu, Lộc Hà) chia sẻ: “Treo lá cờ mới trong dịp này để cảm nhận rõ hơn niềm vui, khí thế của ngày tết Độc lập và mỗi lần như thế, tôi càng cảm thấy yêu mến quê hương, đất nước, tự hào hơn về truyền thống của dân tộc ta”.
Với những bạn trẻ, tết Độc lập là dịp để được tận hưởng không khí ấm áp, sum họp bên gia đình hoặc trải nghiệm những chuyến đi thú vị cùng bạn bè, người thân. Bạn Lê Quang Hiếu (20 tuổi, trú phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi đang học năm thứ 3 đại học ở Hà Nội, dịp lễ Quốc khánh này, tôi mời một số người bạn thân về Hà Tĩnh chơi. Sau đó, chúng tôi dự định sẽ đi khám phá thêm một số di tích ở các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình… Những chuyến đi như vậy mang đến nhiều trải nghiệm thú vị và chúng tôi đều cảm thấy biết ơn các thế hệ đi trước, trân trọng cuộc sống hòa bình”.
Mỗi người dân, mỗi thế hệ sẽ có những cách đón mừng Quốc khánh khác nhau, nhưng có lẽ tất thảy đều chung một niềm hân hoan, tự hào và trân quý cuộc sống tươi đẹp, hòa bình, ấm no mà biết bao thế hệ cha anh đã đổ máu xương để bảo vệ và giữ gìn.