Tiểu thương không chỉ buồn khi tài sản bị cháy mà còn thất vọng trước hiện tượng "hôi của" của một số người
Trong khi hàng trăm người nỗ lực chữa cháy và giúp đỡ tiểu thương đưa hàng ra ngoài thì lẫn giữa hỗn loạn vẫn có không ít kẻ “thừa nước đục thả câu”.
Tất tưởi mang hàng chạy ra ngoài, chị Nga nghe tiếng mở lời: Chị vào lấy chuyến khác đi, em mang giúp ra cho… Đã cẩn thận dặn “người tốt bụng” nhờ em đặt ở cổng phụ chờ chị, thế nhưng, khi mang được chuyến hàng khác ra ngoài thì chuyến hàng trước đã được “dọn dẹp” ổn thỏa đâu đó và không còn cơ hội trở lại với chủ.
Còn với chị Phan Thị Hà, có sạp hàng gần đình chợ với những mặt hàng dễ cháy nên khi nghe tin lửa bao trùm đình đã rất lo sợ. “Đêm đó hai vợ chồng trầy trật chuyển hàng ra ngoài, nhưng mới đưa được túi hàng đầu tiên ra thì trở vào cả ki-ốt chất đầy hàng đã không cánh mà bay…. Tiền hàng hơn 200 triệu đồng giờ chỉ còn một nhón trong tay” – chị Hà xót xa.
Những hình ảnh, câu chuyện đầy xấu hổ đó đang được lan truyền nhanh chóng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều người khi biết đến sự việc, không ngần ngại gọi đó là cướp của, vô nhân tính... Một lối sống ích kỉ, vụ lợi; thói vô cảm, thiếu văn hóa và ý thức trách nhiệm với cộng đồng; đồng thời, đó còn là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức trầm trọng trong một bộ phận người dân.
Không thể thống kê một con số cụ thể về thiệt hại do “hôi của” gây nên, chỉ biết rằng sau vụ hỏa hoạn, hơn trăm tiểu thương tay trắng vì tài sản cháy rụi, thì cũng có hàng chục tiểu thương lao đao bởi những kẻ “đục nước béo cò”.
Đau buồn hơn khi “hôi của” không còn là chuyện lạ giữa những mất mát, đau thương. Nhưng, nhìn xem, đó không chỉ đơn thuần là “hôi” đôi giày, bộ quần áo... giữa đám cháy mà nó bộc lộ sự xuống cấp đạo đức trầm trọng trong một bộ phận người dân, bóc trần bức tranh trần trụi về sự lãnh cảm của một số người trước nỗi bất hạnh của người khác.
Và rồi, những của “hôi” được khi mang về và đưa ra sử dụng, trước mặt người thân sẽ như thế nào? Nhớ lại tiếng gào thét trong đêm của các tiểu thương, nhìn khuôn mặt thất thần của những nạn nhân, người “hôi của” nghĩ gì? Thật đắng cay và đáng xấu hổ!
Văn hóa ứng xử nơi công cộng, tính tương thân tương ái vốn có của người dân ta nay “đi lạc” ở đâu? Từ bao giờ, con người để lòng tham và sự vô cảm lấn át, chụp giật ngay trên nỗi đau của đồng loại?!
“Hôi của” phải bị xã hội lên án mạnh mẽ và mạnh mẽ hơn nữa, bằng cách nhân lên nghìn việc tốt và không ngần ngại đưa chúng đến trước cơ quan chức năng. Không thể để một bộ phận nhỏ như thế làm xấu đi hình ảnh của hàng trăm, hàng nghìn người tốt trong những lúc thiên tai, hỏa hoạn như ở vụ cháy chợ Sơn!