Bức tranh kinh tế - xã hội Hà Tĩnh trong nửa chặng đường đầu năm ghi nhận khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực. Tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 7,6%, xếp thứ 20 cả nước và thứ 2 Bắc Trung Bộ (sau Thanh Hóa).
Phân tích cụ thể các yếu tố trong tăng trưởng chung, ông Trần Thanh Bình – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,7% (công nghiệp tăng 9,33%, xây dựng tăng 15,7%); nông nghiệp tăng 2,64%; dịch vụ tăng 6,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,06%.
Ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, chiếm 32% cơ cấu kinh tế và đóng góp 2,93 điểm % tăng trưởng chung. Một số sản phẩm đóng góp vào tăng trưởng của ngành như điện sản xuất, bia, khai thác kim loại, chế biến gỗ…
Bà Nguyễn Thị Lâm – Phó Trưởng phòng Tổ chức nhân sự (Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải) cho biết: Công ty chuyên sản xuất và phân phối vật liệu gạch, ngói không nung, bê tông thương phẩm và kết cấu kiện đúc sẵn phục vụ ngành xây dựng. Nhờ tập trung đẩy mạnh sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ, 6 tháng đầu năm, hoạt động của công ty đón nhận nhiều tín hiệu tích cực với doanh thu đạt khoảng 97,4 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch năm 2024”.
Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, động lực tăng trưởng chính của khu vực công nghiệp 6 tháng đầu năm là nhờ sản lượng điện của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, tăng trưởng chung của ngành công nghiệp vẫn thấp so với mục tiêu bình quân cả năm (kế hoạch năm 2024 ngành công nghiệp tăng 14,6%) do sản lượng thép của Formosa giảm mạnh, sản phẩm mới pack pin sản xuất chưa đảm bảo theo kế hoạch.
Với nhiều công trình, dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ thi công, 6 tháng đầu năm, lĩnh vực xây dựng tăng 15,7%, đóng góp 1,35 điểm % tăng trưởng. Các dự án có khối lượng lớn, đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng ngành xây dựng nửa đầu năm như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; Dự án đường dây 500kV mạch 3; Nhà máy sản xuất Pin Lithium; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II.
Ngành dịch vụ trong nửa đầu năm phục hồi tích cực, trở thành điểm sáng của nền kinh tế với mức tăng 6,75% và đóng góp 2,45 điểm % tăng trưởng chung. Theo nhận định của ngành chức năng, mức tăng này nhờ vào các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, thu hút lượng lớn khách về trên địa bàn, góp phần giúp các ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú phục hồi và tăng trưởng so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 40.594 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Nông nghiệp tăng 2,64%, đóng góp 0,36 điểm % tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, trong nửa đầu năm, sản xuất lúa vụ xuân thắng lợi, được mùa được giá; hoạt động chăn nuôi phục hồi; sản xuất lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định và có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, mức tăng của ngành đạt khá so với kế hoạch (kế hoạch bình quân cả năm tăng 2,1%).
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,06%, đóng góp 0,5 điểm % tăng trưởng. Mức tăng khá này nhờ sự đóng góp trở lại của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I; một số doanh nghiệp kinh doanh bia, xăng dầu, nhập khẩu máy móc thiết bị đóng góp thuế lớn. Ngoài ra, so với năm trước thì đầu năm nay có ít chính sách miễn, giảm thuế phục hồi kinh tế - xã hội hơn.
Những thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là nhờ sự chỉ đạo sát sao, điều hành linh hoạt của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh cùng những nỗ lực của các cấp, ngành, hệ thống chính trị trong triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ. Song, phải nhìn nhận rằng, kết quả 6 tháng đầu năm dù tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm (kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 8 – 8,5%).
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới cũng như trong nước có xu hướng phục hồi nhưng chưa ổn định, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Trong tỉnh, các yếu tố tăng trưởng dù còn dư địa nhưng cũng có nhiều điểm không thuận lợi như: Formosa Hà Tĩnh đang có xu hướng giảm sản lượng, sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường; Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoạt động trở lại từ quý 4 năm trước nên quý 4 năm nay sẽ không còn lợi thế về tăng trưởng… Do đó, thách thức, áp lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất nặng nề; đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để tạo sức bật cho tăng trưởng GRDP.
Ông Trần Thanh Bình – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng: Mặc dù từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố khó khăn, song, vẫn có những dư địa tăng trưởng được kỳ vọng như: các dự án khối lượng xây dựng lớn như nhà máy sản xuất Pin Lithium, dự án đường dây 500 kV mạch 3, dự án hạ tầng khu công nghiệp VSIP, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 được tập trung thi công; duy trì ổn định sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp chủ lực; hoạt động mua sắm sôi động vào dịp cao điểm cuối năm; ngành nông nghiệp tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, thu hoạch cây ăn quả dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn 6 tháng đầu năm...
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà cho biết: 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từ nay tới cuối năm, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng tốc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh; tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn; tập trung sản xuất nông nghiệp, chủ động phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai, thời tiết; tập trung cao các tiêu chí xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; chủ động theo dõi, dự báo tình hình thị trường, biến động cung cầu hàng hóa; triển khai đồng bộ các giải pháp phối hợp liên tỉnh, liên vùng về quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo quyết liệt thu ngân sách, tăng cường hậu kiểm, chống thất thu, thu hồi nợ thuế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng; quan tâm lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường các hoạt động đối ngoại...