Tháng tư trên đồi Đồng Lem

(Baohatinh.vn) - Giữa tháng tư, vào một ngày cuối tuần mát mẻ, anh Ngô Đức An - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập dẫn tôi đến xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Tháng tư trên đồi Đồng Lem

Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập trên đồi Đồng Lem, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên.

Dưới chân đồi Đồng Lem, tôi vô tình bắt gặp anh Trần Đức Sơn - Phó Giám đốc đang dẫn đoàn cán bộ của Công ty Điện lực Hà Tĩnh vào trồng cây tại khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Sau khi làm lễ thắp hương, các anh triển khai trồng cây ngọc lan cao gần 5m, nằm phía “tả thanh long” của khu mộ.

Vào dịp đưa hài cốt cố Tổng Bí thư từ TP Hồ Chí Minh về trên đồi Đồng Lem, tôi cũng có mặt trong hàng ngàn người về dự lễ. So với trước, cảnh quan ở đây đã có nhiều thay đổi. Đoạn đường từ quốc lộ 1 lên khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được rải thảm nhựa phẳng phiu, sạch sẽ, nhà đón khách đã được đưa vào sử dụng, cây cối được trồng nhiều hơn, nhiều chỗ đặt thêm ghế đá.

Rời khu mộ, anh Ngô Đức An đưa chúng tôi về khu lưu niệm cách đó vài cây số, thăm lại nếp nhà xưa của gia đình cố Tổng Bí thư. Một ngôi nhà tranh bé nhỏ, bình dị như bao nếp nhà quê nghèo khó một thời. Tại ngôi nhà này, ngày 24/4/1906, cậu bé Hà Huy Tập, con trai của ông Hà Huy Tường - một nhà nho nghèo làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và bà Nguyễn Thị Lộc làm nghề nông, đã cất tiếng chào đời.

Tháng tư trên đồi Đồng Lem

Tại ngôi nhà này, ngày 24/4/1906, cậu bé Hà Huy Tập đã cất tiếng chào đời.

Cũng tại ngôi nhà này, người con gái Hà Thị Thúy Hồng - kết quả của mối tình giữa đồng chí Hà Huy Tập với cô nữ sinh Trường Đồng Khánh, Huế - Nguyễn Thị Giáo đã chào đời. Đây cũng là nơi đồng chí Hà Huy Tập về nghỉ hè và sống những năm tháng bị thực dân quản thúc tại nhà, trước khi bị địch bắt lại vào ngày 30/3/1940.

Vốn là học sinh Trường Quốc học Huế, Hà Huy Tập hết làm giáo viên tiểu học ở TP Nha Trang (1923-1926) rồi chuyển về Trường Tiểu học Cao Xuân Dục - TP Vinh (Nghệ An), Trường tư thục An Nam học đường (1927). Cuối năm 1928, đồng chí được Kỳ bộ Nam kỳ Đảng Tân Việt cử đi Trung Quốc gặp gỡ, bàn bạc với Tổng hội Việt Nam cách mạng thanh niên để hợp nhất 2 tổ chức.

Năm 1929, đồng chí được cử đi học tại Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Năm 1935, đồng chí tham dự và được bầu vào BCH Trung ương Đảng và Ban Thường vụ, được cử làm Thư ký của Đảng tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng (Ma Cao, Trung Quốc). Ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị Ban Trung ương do Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài Hà Huy Tập chủ trì.

Hội nghị đã có sự phân công về trách nhiệm: “Lê Hồng Phong làm cán bộ dự trữ ở lại nước ngoài để sau này trở về nước tổ chức lại các tổ chức của Đảng trong trường hợp các đồng chí có trách nhiệm ở trong nước bị bắt; đồng thời để giữ liên lạc với Quốc tế Cộng sản”, Hà Huy Tập “về nước để tổ chức Ban Trung ương và khôi phục liên lạc với các tổ chức của Đảng”.

Tháng tư trên đồi Đồng Lem

Tuổi trẻ Hà Tĩnh thắp nến tri ân cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Từ thời điểm này, Hà Huy Tập giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 3/1940, Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt lại lần thứ hai ngay tại quê nhà và bị giam ở Khám Lớn, Sài Gòn. Tháng 3/1941, đồng chí bị địch khép vào tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và bị Tòa án binh Sài Gòn tuyên án tử hình. Ngày 28/8/1941, Hà Huy Tập bị xử bắn ở Hóc Môn (Gia Định) cùng với các đồng chí khác như: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…

Trước khi từ biệt cõi đời lúc mới 35 tuổi, Tổng Bí thư Hà Huy Tập còn lưu lại cho đồng chí và hậu thế câu nói dõng dạc, đanh thép trước Tòa án binh Sài Gòn: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động” như một sự khẳng định ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt của bản thân vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam.

Vậy là đã 80 năm vắng bóng trên cõi đời nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập vẫn còn sống mãi trong lòng bao thế hệ. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2021), nhiều hoạt động lớn sẽ diễn ra trên quê hương Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và xã Cẩm Hưng. Những ngày này, cán bộ, Nhân dân xã nhà đang nô nức thi đua lập thành tích trong xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Hoạt cho biết, xã Cẩm Hưng - quê hương của đồng chí Hà Huy Tập là địa phương có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Cẩm Hưng có 9 thôn, với hơn 6 ngàn nhân khẩu thường trú. Là vùng bán sơn địa nên người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông, trồng lúa nước, làm vườn đồi, vườn rừng với cây keo lá tràm và trồng cây ăn quả.

Tháng tư trên đồi Đồng Lem

Thế hệ trẻ Cẩm Xuyên tham quan Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên.

Đặc biệt, những năm gần đây, hàng trăm hộ dân đã trồng đào phai cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên/hộ/năm. Cẩm Hưng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Ngay từ cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, xã đã phát động đợt thi đua xây nông thôn mới nâng cao, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các thôn rà soát việc củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trong năm 2021 có thêm 2 khu dân cư mẫu, trong đó có thôn Hưng Thắng (nơi có Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập).

Hầu hết các thôn trong xã đều quan tâm tới việc chỉnh trang nhà văn hóa, làm đường giao thông ngõ xóm, dọn vệ sinh môi trường, cắt tỉa hàng rào xanh, bồn hoa; làm mương thoát nước, khơi thông cống rãnh trên các tuyến đường, trồng mới và trồng dắm cây xanh trên các tuyến, đặc biệt là đoạn đường mang tên Hà Huy Tập từ quốc lộ 1 đến khu mộ. Các gia đình tập trung cho việc cải tạo vườn hộ, xây hố ủ phân, hố rác, hố lắng xử lý nước thải sinh hoạt và chăn nuôi…

Tạm biệt đồi Đồng Lem, lướt đi trên con đường rải thảm nhựa giữa những vườn đào Cẩm Hưng xanh mát, chẳng hiểu sao trong đầu tôi cứ đọng mãi về bút tích những dòng thư thanh thản đến lạ lùng của người cộng sản kiên trung Hà Huy Tập gửi về cho người thân chỉ vài tháng trước lúc qua đời: “… Chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn, trái lại, xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.
Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Với 28 năm bền bỉ gắn bó với công tác hội, chị Trần Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn là người "dẫn đường" cho phong trào của chị em ở địa phương ngày càng phát triển.
Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Lễ khởi công phục dựng đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn – Hà Tĩnh) nhằm tri ân bậc tiền nhân có công lao với quê hương và người dân trong vùng.
Gìn giữ nếp nhà

Gìn giữ nếp nhà

“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” - câu thành ngữ về nếp nhà ấy đang được mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng giữ gìn, phát huy, kiến tạo tổ ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.
Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Anh Hoàng Xuân Quý - Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Tại Hà Tĩnh, ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng những việc làm thiết thực nhất.
Phố trong lòng sông...

Phố trong lòng sông...

Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho thành phố Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh...
Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Dù không phải là lễ trọng như tết Nguyên đán nhưng từ lâu, tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) vẫn là nét văn hóa truyền thống được nhiều người dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.